Lỗi đa số thí sinh mắc phải trong những bài nghị luận là nghĩ gì viết đó, cấu trúc bài nghị luận rối, thiếu ý và trùng lặp… Môn Văn đòi hỏi kiến thức tổng hợp trong học đường và chọn lọc tổng hợp kiến thức xã hội.

Bộ GD-ĐT đã có một số thay đổi trong cấu trúc đề thi, ngoài phần kiểm tra kiến thức từ vựng, lỗi câu, chính tả, còn có câu nghị luận xã hội… do đó, thí sinh có thêm nhiều cơ hội thể hiện mình khi làm bài. Cô giáo Trịnh Thu Tuyết, giáo viên chuyên Văn, trường THPT Chu Văn An đã đưa ra một vài gợi ‎ý giúp thí sinh làm bài hiệu quả, tránh mắc phải những sai lầm trong kỳ thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết chia sẻ: “Một bài văn được đánh giá cao là bài văn thể hiện sự hiểu biết, kiến thức phong phú và năng lực phân tích, diễn đạt vấn đề của thí sinh. Khi em thuộc nhiều dẫn chứng và các câu nói mang tính kinh điển, đó là một biểu hiện của hiểu biết phong phú, tuy nhiên những dẫn chứng và câu nói ấy phải phù hợp với vấn đề trong đề bài thì mới thể hiện năng lực phân tích, nhận thức của học sinh và lúc đó bài văn đó mới được đánh giá cao.”
 

Môn Ngữ văn đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp
Môn Ngữ văn đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp


Theo cô Tuyết, những kiểu câu hỏi kiểm tra vận dụng kiến thức, kiểm tra cấu trúc từ ngữ, tóm tắt hoặc chỉ ra ý hay của một đoạn văn, thơ mấy năm nay thêm vào trong cấu trúc đề thi cho đa dạng phong phú, phát huy tính tích cực và tư duy độc lập sáng tạo của học sinh rồi đến những kiến thức giai đoạn văn học và tác giả văn học. Vì thế  học sinh cần học bao quát các vấn đề theo hướng dẫn của thầy cô và tránh học tủ.

Về kiến thức, các em học sinh có thể hiểu sai, hoặc trình bày thiếu một giá trị nghệ thuật, nội dung của tác phẩm, đây là vấn đề em cần bổ khuyết khi hệ thống hóa lại toàn bộ các kiến thức của chương trình văn học Việt Nam hiện đại.

Còn về kỹ năng, học sinh có thể mắc lỗi ở kỹ năng quan trọng đầu tiên khi nhận định đề, sau đó là các kỹ năng phân tích, cảm thụ, diễn đạt, dùng từ đặt câu...

Bên cạnh đó, học sinh cần nhớ dẫn chứng trong cả thơ và văn xuôi đều rất quan trọng đối với việc phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, nếu học sinh không nhớ chính xác dẫn chứng thì không thể cho vào ngoặc kép.

 

Theo cô Thu Tuyết, học sinh thường mắc nhiều lỗi trong bài thi Ngữ Văn
Theo cô Thu Tuyết, học sinh thường mắc nhiều lỗi trong bài thi Ngữ Văn


“Ngoài ra, học sinh cần cố gắng diễn đạt giản dị, logic và trong sáng, tránh viết sáo rỗng, lan man trùng lặp gây phản cảm cho người đọc. Khi phân tích thơ, các em phải bám sát các yếu tố hình thức như: ngữ âm, ngữ nghĩa, các biện pháp tu từ...để tìm ra xúc cảm của nhà thơ, ý nghĩa của hình tượng thơ; khi phân tích văn xuôi, cần xuất phát từ các chi tiết miêu tả về ngoại hình, hành động cử chỉ lời nói, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ trực tiếp, nửa trực tiếp, ngôn ngữ trần thuật, miêu tả..., các yếu tố tình huống, xung đột, kết cấu tác phẩm...” cô Tuyết chia sẻ.

Theo cô Tuyết, về câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày quan điểm của cá nhân về một sự việc, hiện tượng, một vấn đề nào đó của cuộc sống, mà cuộc sống thì luôn có nhiều đáp án, rất nhiều cách nhìn nhận, đánh giá. Đáp án thường đưa ra cho suy nghĩ cá nhân, và bài của học sinh sẽ đạt kết quả tốt nếu ý kiến của thí sinh hợp lý, hợp tình, không đi ngược lại đạo lý, thuần phong mỹ tục cũng như cách sống, cách nghĩ tốt đẹp của dân tộc mình…”

Để làm được dạng bài này, theo cô Tuyết thí sinh không chỉ có kiến thức học đường mà tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau và thí sinh phải có sự hiểu biết nhất định về xã hội. Đó là quá trình tích lũy, thu thập và sàng lọc thông thông tin, hình thành nên năng lực và nhân cách cá nhân.

Trước những hiện tượng xã hội muôn màu, muôn vẻ, dựa trên những phương pháp giáo viên cung cấp, cùng thói quen quan tâm tới những vấn đề, hiện tượng xung quanh mình, thí sinh sẽ có những bài luận độc đáo và chất lượng.

Lỗi đa số thí sinh mắc phải trong những bài nghị luận là nghĩ gì viết đó, cấu trúc bài nghị luận rối, thiếu ý và trùng lặp… Để khắc phục những lỗi này, học sinh chú ý đọc kỹ đề, thường thì gợi ý cho vấn đề nằm rất rõ trong câu hỏi. Học sinh cần xác định chính xác nội dung vấn đề nghị luận, tập trung trình bày những cách hiểu, cách đánh giá, lí giải, những suy nghĩ, nhận thức của bản thân…

Nếu có câu phân tích thơ, các em có thể dừng lại ở diễn xuôi và phân tích văn xuôi thường rơi vào kể chuyện, tóm tắt ý. Đó là những lỗi thường mắc trong kỹ năng làm bài thi…

Cô Tuyết chia sẻ thêm, trước khi làm bài các em cần đọc kỹ đề, xác định chính xác nội dung kiến thức, yêu cầu nghị luận đã được định hướng trong các câu chữ quan trọng của đề; lập dàn ý sơ lược, luôn bám sát các yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng để không bị lạc đề, xa đề...


Theo Infonet