(BVPL) - Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng, Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” là thời cơ, cơ hội để cả đất nước nhìn lại công tác trẻ em trong thời gian qua, tăng cường tuyên truyền, giáo dục xã hội, nâng cao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, là dịp để các gia đình, xã hội có việc làm thiết thực, cụ thể vì trẻ em.
“Thông qua Tháng hành động vì trẻ em, mong tất cả các bậc cha mẹ hãy nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em. Đề nghị các cơ quan chức năng, tổ chức xử lý nghiêm những vụ xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành, tổ chức xã hội phối hợp chính quyền địa phương chăm lo giáo dục con trẻ để các em được sống những ngày vui tươi hơn, để những khoảng tối ngày càng ít đi và những khoảng sáng trong cuộc sống các em ngày càng được nhân lên.
Phát biểu tại Lễ phát động, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel – Jelil ghi nhận những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc biến những cam kết quốc tế thành hành động, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, các Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, đặc biệt là thông qua Luật Trẻ em tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng trẻ em Việt Nam vẫn còn phải chịu bạo lực, bóc lột và xâm hại. Hầu hết các vụ việc xảy ra trong gia đình hoặc môi trường thân quen của trẻ. Điều đáng quan ngại nhất là những con số thống kê chỉ phản ánh được phần nổi của tảng băng chìm – chỉ một phần nhỏ trong số các vụ việc được báo cáo và điều tra. Để triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, UNCEF đề xuất một số khuyến nghị như cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ trẻ em nhằm nghiêm cấm và giải quyết tất cả các hình thức bạo lực, xâm hại đối với tất cả trẻ em dưới 18 tuổi. Xây dựng những giải pháp cụ thể để chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em, tập trung vào việc thúc đẩy kỹ năng làm cha mẹ, tham gia và tăng quyền năng cho trẻ em gái và trẻ em trai trong việc xử lý và báo cáo bạo lực, xâm hại. Tăng cường nguồn nhân lực cho bảo vệ trẻ em. Thành lập một mạng lưới các cộng tác viên bảo vệ trẻ em cấp xã và đào tạo, bố trí đầy đủ các vị trí cán bộ xã hội chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đảm bảo phân bổ ngân sách dành cho bảo vệ trẻ em ở cấp trung ương và địa phương, đưa các mục tiêu và ngân sách bảo vệ trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, việc Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 chính là món quà đặc biệt cho Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Đây là cơ sở pháp lý và cũng là việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới; đồng thời cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết của nước ta theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Bạo lực, xâm hại trẻ em được coi là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực và tình hình có xu hương ngày càng tăng, nhất là thời gian gần đây, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương cùng địa phương tích cực triển khai Tháng hành động vì trẻ em và tuyên truyền sâu rộng Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành và Chỉ thị 18 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội tăng cường giám sát việc triển khai Luật trẻ em. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các thành viên gia đình, giáo viên, những người trực tiếp làm công tác trẻ em; cũng như giáo dục, phổ kiến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình.
Mai Hòa