Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên do HĐND tỉnh tổ chức mới đây, đã có rất nhiều ý kiến của thanh niên về vấn đề có bằng cấp nhưng vẫn không xin được việc làm.

 


Nhiều ý kiến khác cho rằng, các trường lâu nay vẫn còn “đơn phương” đào tạo nghề cho thanh niên nên khi doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào làm việc thường mất rất nhiều thời gian để đào tạo lại, khiến cho uy tín của trường bị giảm sút trong mắt doanh nghiệp. Anh Trần Minh Hải ở phường Trung Dũng
(TP.Biên Hòa) nêu thực tế: “Được đi thực tập ở doanh nghiệp một tháng tiến bộ bằng cả năm học ở trường. Những gì thầy dạy ở trường, thiết bị ở trường so với ở doanh nghiệp là một khoảng cách khá xa nhau. Đáng tiếc là thời gian được đi thực tập ở doanh nghiệp trong một khóa đào tạo lại quá ngắn”.

Củng cố chất lượng

Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng thanh niên có nghề nhưng vẫn thất nghiệp khó có thể giảm khi quan điểm lập nghiệp chỉ có thể là con đường vào đại học không thay đổi. Trong thực tế, những thanh niên đi học trung cấp hoặc cao đẳng nghề thường dễ kiếm việc làm hơn. Thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội cho thấy, có tới 80% thanh niên học nghề tìm được việc làm ngay, với các nghề trọng điểm thì tỷ lệ tìm được việc làm ngay lên tới 95%.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết toàn tỉnh có gần 840 ngàn thanh niên tuổi từ 16-30 (chiếm 30% dân số của tỉnh). Trong 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 53 tỷ đồng thiết bị dạy nghề cho 3 trường, gồm: cao đẳng nghề Đồng Nai, cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch và trung cấp nghề 26-3. Tỉnh sẽ tiếp tục nâng số lượng các cơ sở dạy nghề, đầu tư trang thiết bị dạy nghề, tăng cường bồi dưỡng giáo viên dạy nghề để đổi mới chương trình dạy nghề, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Tại buổi tiếp xúc, ông Hồ Thanh Sơn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết những ý kiến kiến nghị của thanh niên về thực trạng dạy nghề và giải quyết việc làm hiện nay là rất đáng ghi nhận. Qua những ý kiến kiến nghị của thanh niên, tỉnh và các sở, ngành liên quan cần có sự rà soát, điều chỉnh kịp thời để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng.

 

Theo Báo Đồng Nai