Khác với các năm trước, năm nay nhận tờ giấy khen của con, nhiều bậc phụ huynh có phần lúng túng, không biết giải thích với con thế nào trước các lời phê như học sinh tiêu biểu, học sinh toàn diện, hoàn thành tốt các môn học...
 


Vì sao không có giấy khen?

Buổi họp phụ huynh cuối năm trường Tiểu học Phan Chu Trinh, nhiều người thắc mắc: “Vì sao con năm nay không có giấy khen mà chỉ có bảng điểm? Tổ dân phố và cơ quan bố mẹ đều hỏi giấy khen xem con đạt học sinh giỏi hay tiên tiến để thưởng nhân ngày 1-6 thì phụ huynh biết trả lời thế nào?”.

Trả lời thắc mắc này, cô giáo giải thích, theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT quy định về xếp loại, đánh giá học sinh tiểu học thì không còn danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Thay vào đó, các con được đánh giá theo 3 lĩnh vực, kiến thức các môn học, năng lực, phẩm chất của học sinh. Ngay cả điểm số cuối năm cũng chỉ là một phần đánh giá rất nhỏ và không còn là căn cứ quan trọng nhất như các năm học trước để xét xem con được học sinh giỏi hay tiên tiến.

Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh việc nhận được các lời khen: hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; học sinh tiêu biểu; hoàn thành tốt môn Toán, hoàn thành xuất sắc các môn học… lại khiến họ băn khoăn hơn khi có sự không đồng nhất trong đánh giá giữa các trường. Vốn quen với một định dạng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Phúc Mai, phụ huynh học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản thắc mắc, không biết con được khen đạt thành tích xuất sắc, như vậy có phải giỏi hơn cả học sinh giỏi hay không? Còn em Phạm Xuân Ánh, học sinh trường tiểu học Lý Thường Kiệt thì băn khoăn, con được khen Học sinh tiêu biểu thì là giỏi hay tiên tiến?

Nguyên nhân chính khiến các phụ huynh chưa thỏa mãn với cách đánh giá, khen thưởng mới này, bởi lẽ, trong khi nhà trường giải thích rằng điểm số không quan trọng mà quan trọng là đánh giá mức độ, quá trình hình thành năng lực, phẩm chất, hoàn thành các môn học nhưng việc xét tuyển học sinh khi chuyển cấp từ tiểu học lên lớp 6 những trường chất lượng cao hiện nay lại phụ thuộc vào điểm số. Các trường không căn cứ vào nhận xét học sinh ra sao mà chỉ cộng điểm Toán-Tiếng Việt và giải thưởng các kỳ thi rồi quy ra điểm xét tuyển. Cùng với đó, cách đánh giá, khen thưởng của xã hội vẫn chỉ căn cứ vào điểm khá, giỏi của học sinh.

Các trường than khó

Sau 1 năm thực hiện đổi mới đánh giá, xếp loại bậc tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, các hiệu trưởng đều công nhận tính tích cực của quy định mới này nhưng cũng nêu không ít khó khăn. Bà Ngô Thị Hường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cổ Bi, Gia Lâm cho biết, điểm tích cực của cách đánh giá mới là khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, giảm áp lực điểm số, đánh giá toàn diện học sinh.

“Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là dịp cuối năm học, Bộ GD-ĐT vẫn không hướng dẫn cụ thể hình thức khen thưởng như thế nào. Không có danh hiệu cụ thể, giỏi, khá, trung bình do đó xây dựng chỉ tiêu cho năm học rất khó và khó cả trong xếp danh hiệu cho học sinh. Nhà trường rất trăn trở trong việc phê giấy khen như thế nào để thỏa mãn được đa số bố mẹ phụ huynh mang đến cơ quan để có phần thưởng cho các con dịp cuối năm học” - bà Hường cho biết.

Ông Trần Minh Mạnh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cũng thừa nhận khó khăn của các trường về việc đặt tỷ lệ, khen thưởng. Ngoài ra, với số lượng học sinh mỗi lớp đông, việc giáo viên ghi chép, nhận xét học sinh rất vất vả. Trong khi đó, phụ huynh vẫn băn khoăn, chưa rõ thực lực học của con với cách đánh giá mới... “Vẫn phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho phụ huynh hiểu để cùng phối hợp với nhà trường giúp các em học tập đúng thực chất, toàn diện” - ông Trần Minh Mạnh khẳng định.

 Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cũng cho rằng đây là năm đầu tiên thực hiện đổi mới đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng toàn diện nên cũng còn nhiều băn khoăn từ phụ huynh, giáo viên.

“Cách đánh giá hạnh kiểm và học lực khá, giỏi đã tồn tại hàng chục năm nay đến giờ phải thay đổi, chắc chắn là còn lạ lẫm, chưa quen mắt. Tôi cho rằng với hướng đi đúng của Thông tư 30, các trường học cũng như phụ huynh cần thời gian để hiểu đúng và phát huy tính tích cực của nó thay vì hoang mang, tìm cách kéo lại cách đánh giá cũ, quen thuộc nhưng  chưa toàn diện” - ông Lê Hồng Vũ chia sẻ.
 

Theo ANTĐ

.