Chuyên gia Toán học nói gì về kiểu đề 'đầu cừu, đuôi thuyền trưởng'?
Cập nhật lúc 10:50, Thứ ba, 01/07/2014 (GMT+7)
Trước việc dư luận cho rằng các ra đề theo kiểu “Đầu cừu, đuôi thuyền trưởng” là không phù hợp với học sinh lớp 2 thì các chuyên gia toán học cho rằng: Kiểu ra đề không có gì là mới trong giới toán học. Tác giả chỉ muốn rèn tư duy về logic toán cho học sinh.
Cũng theo TS Lê Thống Nhất, với học sinh tiểu học, bài toán kiểu này vẫn phù hợp, tuy nhiên không nên đưa ra nhiều lần. Bởi chỉ cần một lần là đủ để học sinh cảnh giác.
Với các cấp học cao hơn thì chúng ta vẫn gặp những bài toán mà trong đó chứa những giả thiết “gây nhiễu” - những giả thiết mà không liên quan tới kết luận của bài toán. Học sinh phải tỉnh táo để không tập trung vào những giả thiết kiểu này. Những bài toán có giả thiết “gây nhiễu” vẫn nên tồn tại trong các bài kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên người ra đề phải khéo léo tinh vi để độ “gây nhiễu” khó bị phát hiện và khi đó sẽ có bài toán hay.
Những giả thiết “gây nhiễu” mà thô, mà dễ phát hiện sẽ làm cho bài toán không hay nữa. Bài toán “Những con cừu và tuổi vị thuyền trưởng” rơi vào tình trạng “gây nhiễu” thô nên bài toán không hay tuy không sai. Mức độ thô của giả thiết này đã tạo ra những phản ứng trong dư luận trong những ngày vừa qua.
Nhìn nhận dưới một góc độ khác, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Đối với toán học thì những bài toán như vậy không phải là hiếm gặp. Ở đây chúng ta chỉ cần nên nhìn nhận là tác giả chỉ muốn rèn về tư duy logic cho học sinh. Vấn đề mấu chốt là khi thầy cô giáo đưa ra những dạng bài này thì cần phải có những gợi ý hoặc đã từng nhắc nhở các em trước đó, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học”.
Theo Dân trí
.