(BVPL) -  Trong suốt hơn hai năm qua, những vấn đề của Trường Đại Học Hùng Vương TP.HCM trở thành vấn đề được dư luận quan tâm. Sự tranh chấp giữa những người muốn thâu tóm, nắm giữ vị trí quan trọng trong HĐQT, một bên là những nhà giáo, cán bộ công nhân viên đầy truyền thống, với tinh thần "giáo dục bất vụ lợi, không buôn bán giáo dục". Làm thế nào mà ngôi trường này vẫn có thể đứng vững trong suốt ngần ấy năm, với những áp lực từ nhiều phía? Và hơn hết là những người đang đấu tranh cho con đường "không buôn bán giáo dục" chỉ còn là thiểu số.
 
Chúng tôi gặp họ, những người còn "sót" lại với nghị lực đấu tranh cho một ngôi trường vốn có lịch sử lâu dài, họ tiếp nối truyền thống từ thế hệ cũ, cho dù đang bị bao vây bằng nhiều loại thế lực từ kinh tế cho đến đe dọa hành hung. Chúng tôi còn nhận được nhiều bằng chứng cho thấy, thế lực "kim tiền - buôn bán giáo dục" kia vẫn chưa chịu dừng lại, chúng đang dùng những thế lực xã hội để xâm nhập vào các văn phòng làm việc, tràn ngập trong khuôn viên của ngôi trường này. Đồng thời thực hiện sự đe doạ bằng bạo lực đối với công nhân viên, nhà giáo đang làm việc với sự trực tiếp chỉ đạo của những kẻ vốn đang là nhà giáo, nhưng có đủ những kiến thức trong việc tận dụng những mánh lới và các loại sức mạnh để "trấn áp giáo dục", nhằm đạt mục tiêu và khống chế môi trường giáo dục đúng đắn.
 
 
Sự đồng hóa trong "nhóm lợi ích" là một xúc phạm không những đối với ý tưởng của các nhà sáng lập ra ngôi trường. Chưa kể những vị sáng lập đã bỏ công sức, tiền của ra xây dựng trường từ ban đầu ấy, vẫn chưa hề lên tiếng đòi lợi nhuận. 
 
Trong khi đó, những người đang đấu tranh còn "sót" lại tâm sự với chúng tôi rằng, hiện "nhóm lợi ích" gần đã đánh lừa cả dư luận báo chí, cũng như xã hội để được tung hô đang đấu tranh cho công lý, những người đang đấu tranh cho những giá trị đích thực của nhà trường thì cho là những tội phạm nghiêm trọng cần phải bị trừng phạt.
 
Những người kế thừa, những người đang tiếp tục cuộc đấu tranh cho ý tưởng giáo dục đúng đắn, vừa phù hợp với thời đại, vừa đáp ứng được những khát khao vươn lên của bao thế hệ sinh viên hôm nay và ngày mai của Trường, đã luôn bất khuất trước những mãnh lực kim tiền đang cố triệt hạ những ước mơ và công cuộc giáo dục vì sự nghiệp trồng người. Và quan trọng hơn là vì những thế hệ con em có đủ năng lực, kiến thức hiện đại : Khoa học - phát triển - trên nền tảng Đạo đức rất cần thiết trong tình hình hiện nay, và trong thời đại mà thế giới phẳng tri thức luôn đi đôi với truyền thống dân tộc, phải được hài hoà vẹn toàn, vững vàng trong nền văn hoá chung của nhân loại.
 
Sự đối kháng tất yếu này, vốn là nguyên nhân sâu xa cho cuộc đấu tranh giữa chủ trương "Không buôn bán giáo dục, bất vụ lợi trong giáo dục" và những kẻ "thời cơ, mại bản, vong thân" coi Giáo dục và truyền thống văn hoá dân tộc là những món hàng béo bở. Sinh viên, nhà giáo, công nhân viên là những yếu tố "gia công" trang hoàng cho việc vận hành "môi trường buôn bán giáo dục" được trôi chảy với những giá cả hoàn hảo để sẵn sàng rao bán tất cả, đổi chác tất cả vì lợi nhuận. Những điều này thật đáng buồn là đang xảy ra tại ngôi trường đại học được xây dựng bởi các nhà giáo một lòng vì sự nghiệp "Bất vụ lợi trong giáo dục" và lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho những mưu toan chiếm đoạt gian lận, áp đặt bằng những hành vi thủ đoạn, chà đạp lên đạo lý và cả công lý. Như vậy, sẽ phá hỏng hết và hủy hoại hoàn toàn những tiến trình hội nhập vào dòng tri thức thời đại, đẩy lùi cộng đồng xa rời khỏi xu thế phát triển, văn minh và toàn cầu hoá hiện nay : "Phát triển bắt đầu từ giáo dục".
 
Những nhà trí thức trong mọi thời đại đều có chung một dòng nguyên khí với những chí nguyện cho tương lai, cho sự nghiệp giáo dục, và văn minh chung mà mỗi người trong cộng đồng dân tộc sẽ không phải hổ thẹn với thế giới xung quanh. Quan trọng hơn "Trí thức" không những là động cơ của sự tiến bộ và tồn tại, 'Trí thức" còn là cốt lõi của "kinh tế tri thức", nền tảng văn minh trong thế kỷ 21 và cả trong cuộc tiến hoá lâu dài trong lịch sử nhân loại. Tri thức luôn chuyển động để đổi mới, trên nền tảng gồm cả khoa học và đạo đức nhằm đáp ứng mục tiêu phục vụ thực tiễn nhân sinh, nên ở bất kỳ nơi đâu, và bất kỳ ở thời đại nào, tri thức luôn không dung nạp cho những gian manh, thủ đoạn.
 
Sự đấu tranh của các nhà giáo, công nhân viên tại ngôi trường này dẫn đến kết quả là hiện họ đang bị cúp lương, đang bị hạ cấp, đang bị loại trừ và đã xuất hiện thêm dấu hiệu áp lực mới bằng cách đe dọa đến sinh mạng cả gia đình của họ. Sự đấu tranh của các thầy cô, công nhân viên của nhà trường khi không hề có trong tay một tấc vũ khí, không có cả quyền lực tiền bạc như những con buôn, nhưng đã dám ra mặt chống đối lại hành vi bất chính mà nhóm 'vi lợi nhuận" đang chủ trương. Họ dám nói ra sự thật "gian trá của nhóm vụ lợi" (đã có những cơ sở chứng minh) và tất cả đang đấu tranh để "nhóm vụ lợi, gian lận này không thể tồn tại trong hàng ngũ lãnh đạo hay giảng dạy cho sinh viên của một ngôi trường có truyền thống "Bất vụ lợi" và đã từng thực thi "bất vụ lợi" trong giáo dục nhiều năm qua.
 
Trong thời gian mà nội dung quyết định của Thành Phố đang chờ được luật pháp xem xét (Hiệu trưởng đã có đơn kiện ra Tòa án Hành chính về quyết định của Ủy ban), nhóm bên kia đã liên tiếp thực hiện những động thái bằng cách sử dụng "các lực lượng thuê mướn" từ bên ngoài gây áp lực để chiếm đoạt con dấu bất chấp luật pháp và đạo lý, coi thường những chứng kiến của một số phóng viên các phương tiện truyền thông!
 
Như vậy, mặc nhiên xã hội ghi thêm một môi trường bị "hành hung" giữa thanh thiên bạch nhật - đó là môi trường giáo dục như ở Đại học Hùng Vương. Những tranh chấp không cần trông chờ vào pháp luật công minh phán xét, mà được giải quyết theo thủ đoạn cùng những dấu hiệu của "xã hội đen".
Hơn thế nữa, "Nhóm vụ lợi" đã tha hồ cúp lương, hạ lương vì những nguyên cớ như "ngủ đêm tại trường để bảo vệ tài sản của nhà trường, hay vì "không tuân lệnh, không theo sự phân công phạm pháp của những kẻ vụ lợi"? Thậm chí, họ thay đổi cả nhân sự mà chưa có một văn bản nào quy định haỵ cho phép "Hiệu Trưởng tạm quyền" có chức năng ấy, nhưng họ vẫn ngang nhiên đã làm, đang làm và tiếp tục làm.
 
Gần đây, họ còn ra lệnh chuyển toàn bộ phòng ban và một số khoa của trường, bao gồm cả tư liệu thi cử của sinh viên trong hàng chục năm qua, tư liệu quản lý đào tạo, tư liệu chứng từ của phòng quản lý hành chính, tài chính, tư liệu về nhân sự, bảo hiểm xã hội.., kể cả một số lớn tài sản, toàn bộ tiền mặt đang có của trường để đem về một cơ sở chưa được nghiệm thu công trình (736 Nguyễn Trãi, Quận 5) mà trong Báo cáo Kết quả kiểm định chất lượng công trình từ một đơn vị độc lập cũng khẳng định là cần phải sửa chữa, gia cố lại nhiều mới có thể đưa vào sử dụng. Một sự coi thường tài sản nhà trường, hay có những ý đồ khác chăng?! Nhưng rõ ràng sinh mạng con người bị coi thường khi bắt buộc hàng trăm cán bộ nhân viên, hàng trăm sinh viên phải vào làm việc, học tập trong một tòa nhà có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng đến sinh mạng bất cứ lúc nào, nhưng nếu ai không thực hiện thì sẽ bị coi là không tuân lệnh cấp trên và bị đe dọa tiếp tục trừ lương, thậm chí buộc thôi việc. Sự áp đặt này phải chăng nhằm lấp liếm những chủ ý không minh bạch của nhóm "vụ lợi" trong suốt thời gian họ thi công xây dựng cơ sở, mà sau này cần được làm sáng tỏ. Kể cũng cần nói thêm là trong thời gian qua, họ đã tự duyệt chi cho hàng tỷ đồng gọi là để trang bị cho cơ sở làm việc tại 736 Nguyễn Trãi hoặc nhiều khoản chi tiêu không minh bạch khác, khi mà hiện nay toàn bộ nguồn tài chính thu được từ học phí của sinh viên từ đầu năm học đến nay là nằm trong tay những "kẻ vụ lợi" và hoàn toàn tự tung tự tác, tha hồ chi tiêu thoải mái, không qua thủ tục hợp pháp nhằm thông qua nhu cầu chi tiêu ngân sách. 
 
Ngay như việc chuyển sinh viên năm cuối sang các trường khác để thi tốt nghiệp của "Hiệu trưởng tạm quyền" hiện nay ("Hiệu trưởng tạm quyền" 4 lần 30 ngày được bổ nhiệm bởi "Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bị bãi nhiệm"), không những chỉ gây ra những hoang mang, lo lắng cho bản thân các em và những phụ huynh, mà còn gây ra những băn khoăn trong chính giới chuyên môn quản lý giáo dục, đào tạo. Sự việc này cũng đều phát sinh từ những gian dối trong báo cáo của "Hiệu Trưởng tạm quyền" hiện nay lên các cấp, đồng thời từ chối trách nhiệm đã có và được khẳng định đối với sinh viên nhà trường, thậm chí còn chủ động đề xuất chuyển sinh viên sang trường khác để thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trong khi “Hiệu trưởng tạm quyền” hiện nay không phải là người đại diện pháp luật theo quy định.
 
Hành vi vừa thủ đoạn vừa thiếu nhân văn, hành động tàn nhẫn đối với các nhà giáo, công nhân viên chức, coi thường Luật lao động và những quy định đến như thế vẫn đang từng ngày tái diễn từ "tháng Hiệu trưởng tạm quyền thứ 1", sau đó tiếp tục trong "4 lần Hiệu trưởng tạm quyền" cho đến nay, trong khi quy định chỉ cho phép Hiệu trưởng tạm quyền tối đa một lần 30 ngày và chưa biết lúc nào sẽ kết thúc thời kỳ mà nhóm "vụ lợi" lợi dụng chức danh "Hiệu trưởng tạm quyền" để thực hiện những hành vi chà đạp công lý? Những thầy cô và những công nhân viên chức một lòng vì sự nghiệp giáo dục không gian dối - còn chưa hết kinh hoàng vì những bão táp "đàn áp" cả bên trong lẫn bên ngoài - đang hoang mang tự hỏi: "Lương tri giáo dục hiện ở nơi đâu?".
 
Sự "đúng đắn" quả rất mong manh trước những quyền lực đen tối. Mặc dầu vậy, những người đang đấu tranh cho mục tiêu tốt lành của tiền đồ giáo dục hiện nay tại Đại học Hùng Vương TP.HCM, vẫn luôn luôn tin rằng nhóm "vụ lợi, bất minh" đang tiếm đoạt Hội đồng Quản trị nhà trường trong lúc tranh tối tranh sáng của thời kỳ chuyển đổi sang tư thục sẽ bị công lý soi rọi. Hy vọng sự thật sẽ sớm được đưa ra ánh sáng để toàn xã hội nhận diện rõ ràng đâu là gian dối, đâu là chân thực, khi đó tiền đồ giáo dục mới có thời cơ phát huy mạnh mẽ được.
 
Ngô Gia Lương
.