Có nên đánh đồng tất cả?

Vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội đã đề cập vấn đề đơn giản hóa văn bằng chứng chỉ, loại bỏ tình trạng “thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chứng chỉ viên chức”, theo như phản ánh ở phần chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội). Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và viên chức năm 2019, các nghị định của Chính phủ cũng tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Theo Bộ trưởng, về vấn đề tuyển dụng, lần này nghị định mới của Chính phủ đã quy định đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi. Tương ứng như thế, trong vấn đề tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.
Để thực hiện vấn đề này, trong Nghị định cũng giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó là có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vốn gây “lùm xùm” tại không ít cơ sở đào tạo (như vụ văn bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô; vụ Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cấp giấy xác nhận cho NCS đã tham gia kỳ thi và đạt trình độ tiếng Anh bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dù trường không nằm trong danh sách 14 đơn vị mà Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Vấn đề cũng gây tranh luận nóng tại các kỳ họp Quốc hội, dư luận nhiều ý kiến trái chiều. Thiết nghĩ, vấn đề này cần phải được nhìn nhận đầy đủ, đặt trong yêu cầu bối cảnh mới và thực tiễn công tác tại từng vị trí tuyển dụng, công tác.

Thứ nhất, yêu cầu đào tạo, sử dụng ngoại ngữ, tin học là khách quan. Ngoại ngữ, tin học đã đưa vào nhà trường phổ thông, đại học mấy chục năm nay, là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, chuẩn đầu vào, đầu ra các hệ đào tạo đại học, sau đại học. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” với mục tiêu tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế. Nhiều giải pháp đồng bộ được xác định, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò và sự cần thiết phải học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.

Thứ hai, không quy định cứng chuẩn ngoại ngữ, tin học. Thực tế, chúng ta không nên quy định chung chung mà cần căn cứ từng vị trí, việc làm để xem xét sự cần thiết văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay không. Theo Bộ Nội vụ, để thực hiện vấn đề này, trong Nghị định mới của Chính phủ cũng giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Có những vị trí không cần phải có trình độ ngoại ngữ thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì quy định trong từng vị trí việc làm. Việc quy định rạch ròi là cần thiết, chẳng hạn giáo viên mầm non, tiểu học, công chức xã, công chức ở những vị trí ít khi sử dụng ngoại ngữ thì không cần quy định chuẩn đầu vào ngoại ngữ. Còn ở những vị trí thường sử dụng, tuỳ vào mức độ, yêu cầu để đặt ra trình độ ngoại ngữ phù hợp.

Để kiểm tra đầu vào trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, chuẩn ngoại ngữ, tin học được thể hiện ở văn bằng, chứng chỉ hoặc thi tuyển. Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục đại học đã quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg, quy định về chuẩn đầu ra đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.

Có loại bỏ được tiêu cực?

Bộ Nội vụ soạn thảo Nghị định 138 của Chính phủ về thi tuyển công chức, bỏ quy định về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng lại đưa vào phần thi tuyển. Cụ thể, phần 2 thi ngoại ngữ có 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong 5 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định, thời gian thi 30 phút. Phần 3, thi tin học, cũng có 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm, thời gian thi 30 phút.

Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau: Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.  

Việc quy định hội đồng thi tuyển thay cho văn bằng, chứng chỉ như trên, về lý thuyết là giảm gánh nặng, thủ tục. Tuy nhiên, “hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà chủ tịch hội đồng tuyển dụng đã biểu quyết” cho thấy, tính khách quan, vô tư trong tuyển dụng phục thuộc cả vào vai trò, cách làm của chủ tịch hội đồng. Việc người dự tuyển vượt qua kỳ thi ngoại ngữ, tin học do hội đồng các đơn vị, địa phương lập ra phụ thuộc vào tính minh bạch, khách quan của đơn vị, địa phương đó (thông qua hội đồng) nên nguy cơ tiêu cực là rất lớn. Việc tổ chức thi tuyển, lập hội đồng (trong đó có thi ngoại ngữ, tin học) tại các địa phương thường do ngành nội vụ chủ trì, cùng các thành viên có liên quan.

Dù quy định “Không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng) của người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên hội đồng tuyển dụng, thành viên các bộ phận giúp việc của hội đồng tuyển dụng” nhưng việc bố trí thành phần hội đồng không liên quan đến chuyên môn giáo dục, không chuyên môn về ngoại ngữ, tin học dễ khiến phát sinh kẽ hở. Thực tế lâu nay, tại nhiều hội đồng thi tuyển, dư luận đã lùm xùm chuyện tiêu cực, có những người giỏi ngoại ngữ, tin học vẫn bị rớt khỏi kỳ thi, trong khi người năng lực, trình độ ngoại ngữ, tin học kém vẫn có thể “lách” qua.

Về chứng chỉ ngoại ngữ, hiện nay các cơ sở “nở rộ” khiến dư luận lo ngại tình trạng mua bán chứng chỉ để “lấp” vào hồ sơ cho đủ điều kiện. Tuy nhiên, nếu bỏ văn bằng, chứng chỉ để thay bằng “hội đồng thi” mang tính địa phương, đơn vị như trên thì có thể không khác gì chuyển mảng khuyết, tiêu cực chỗ này để lấp sang chỗ khác. Như đã phân tích, nguy cơ tiêu cực trong hội đồng thi tuyển ngoại ngữ, tin học do các hội đồng đơn vị, địa phương lập ra là rất lớn, dễ người giỏi bị loại, người kém lại “lách” vào qua kỳ thi tưởng như minh bạch.

Cần có cách nhìn thấu đáo hơn giữa điều kiện thi tuyển và điều kiện văn bằng, chứng chỉ. Văn bằng, chứng chỉ là cơ sở chứng minh năng lực, trình độ của một cá nhân, việc cấp văn bằng, chứng chỉ phải qua quá trình đào tạo tại các cơ sở được phép của Bộ GD&ĐT. Vấn đề là cần thắt chặt thanh, kiểm tra năng lực, điều kiện tại các trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo để đảm bảo việc học và thi, cấp bằng được thực chất. Khi đó, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có giá trị và phản ánh đúng thực tế trình độ người học. Thực tế, không phải những nơi gắn mác đại học là đúng quy chuẩn nếu thiếu sự giám sát, kiểm tra.

Như vậy, việc bỏ quy định về văn bằng, chứng chỉ mà thay bằng lập hội đồng tại các đơn vị, địa phương thì nguy cơ tiêu cực có thể không hề giảm, thậm chí phức tạp hơn do quy mô, thành phần hội đồng chưa phải tất cả đều có chuyên môn ngoại ngữ, tin học và không loại trừ các động cơ cá nhân (nếu có). Do đó, cần có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để quy định trường hợp nào thì sử dụng văn bằng, chứng chỉ, trường hợp nào huỷ bỏ. Trường hợp nào thì thi tuyển, tránh thi tràn lan mà coi nhẹ văn bằng, chứng chỉ của người được tuyển. 

Theo TS Trần Văn Hạnh (Đại học quốc gia Hà Nội), việc quy định văn  bằng, chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức là vấn đề lớn, cần có rà soát, tổng kết kỹ lưỡng. Thực tế ở các trường đại học sư phạm, sau khi Bộ GD&ĐT có Thông tư 01/2014/TT-BGDDT đã có chuẩn ngoại ngữ đầu ra theo khung 6 bậc, các trường đại học sư phạm đã quy định sinh viên chính quy phải đạt chuẩn ngoại ngữ bậc 3/6 (kể cả ngôn ngữ thứ 2 với ngành ngoại ngữ); trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT, mới được xét công nhận tốt nghiệp. Với cử nhân sư phạm hệ chính quy từ năm 2015 đến nay, khi có bằng tốt nghiệp đồng nghĩa với đạt chuẩn tin học, ngoại ngữ khi tuyển dụng.

Đối với chứng chỉ, nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục cũng tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cần thanh, kiểm tra để xử lý, loại bỏ những cơ sở không đảm bảo chất lượng. Khi tuyển dụng, cần tách bạch hai vấn đề:

Thứ nhất, ở những lĩnh vực không liên quan nhiều đến ngoại ngữ, tin học thì không cần quy định văn bằng, chứng chỉ và cũng cần bỏ cả phần thi này khi tuyển dụng. Nếu bỏ văn bằng, chứng chỉ mà lại yêu cầu lập hội đồng thi tuyển ngoại ngữ, tin học thì không khác gì bắt bỏ đá chỗ này, đeo gạch chỗ kia. “Bỏ chứng chỉ mà lại bắt thi ngoại ngữ bằng hội đồng do họ lập ra thì lấy gì đảm bảo minh bạch, càng gây khó khăn” – TS Hạnh nêu quan điểm. Do đó, ở những lĩnh vực không cần thiết, nếu đã bỏ là bỏ hẳn, không cần văn bằng, chứng chỉ và cũng không cần phải thi tuyển ngoại ngữ chứ không thể bỏ chỗ này mà lại rào chỗ kia, gây phiền phức, tiêu cực.

Thứ hai, ở những lĩnh vực cần sử dụng ngoại ngữ trong công tác, thực thi nhiệm vụ thì yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ vẫn phải duy trì. Vẫn phải kiểm tra văn bằng, chứng chỉ đạt chuẩn (do cơ sở giáo dục đủ điều kiện cấp) và cũng không thay thế bằng việc tự lập hội đồng thi thay cho văn bằng, chứng chỉ. “Thực tiễn cho thấy, thi công chức theo kiểu hội đồng ở địa phương, nhiều khi chủ tịch hội đồng chấm ai thì người đó đỗ, ngoại ngữ được hay không họ có cách cả, thi chỉ là diễn” – ông lưu ý. Do đó, việc không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính chỉ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực.  

TS Đỗ Văn Đương, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nhìn nhận khách quan, với những điều kiện thi công chức, chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp thì điều kiện tiếng Anh, tin học là phù hợp. Tuy nhiên, đối với điều kiện thi tuyển cho công chức, viên chức hoặc điều kiện để bổ nhiệm, tái bổ nhiệm… thì cân nhắc độ tuổi, tránh người sắp về hưu vẫn phải thi. Những chứng chỉ do các trung tâm không đủ điều kiện cấp thì không thực tế, cần thanh lọc, còn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các chứng chỉ quốc tế uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì phù hợp. Những cơ sở cấp chứng chỉ quốc tế có năng lực, được thẩm định kĩ rồi thì đảm bảo cho phục vụ nâng cao năng lực trình độ, đảm bảo học tập liên tục đến khi đạt trình độ thì cần phát huy. Các chứng chỉ quốc tế được thẩm định điều kiện, chất lượng thì không ai có thể phủ nhận và ứng dụng trong thực tế. Đây là điều kiện quan trọng để hội nhập, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.



Hoa Mai