Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác về con số 34.000 tỷ đồng được cho là kinh phí của Chương trình đổi mới sách giáo khoa.
 


Phân trần về việc chính đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhắc tới số kinh phí này trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như trong các phiên họp báo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Đây là một sơ suất đáng tiếc gây nên sự hiểu lầm.”

Trong thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên báo cáo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang đi công tác nước ngoài trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN, do vậy không thể trực tiếp báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Do những trục trặc về thông tin nên đã gây ra sự hiểu lầm. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó.”

Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định trong hồ sơ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số 34.000 tỷ đồng và việc trình lần này mới chỉ là công tác bước đầu xin chủ trương và sau đó sẽ triển khai nhiều hội nghị khác liên quan.

Trả lời về Quy trình xây dựng một đề án và các công việc tiếp theo để thực hiện đổi mới chương trình-sách giáo khoa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam kết: “Tất cả những công việc tiếp theo sẽ được triển khai theo một quy trình rất chặt chẽ. Sau khi Quốc hội thảo luận và đề ra Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các đề án, Nghị quyết kế hoạch triển khai công việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo theo phân công sẽ xây dựng các đề án và kế hoạch đó. Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa cùng các đề án khác có liên quan; trong đó sẽ nêu tất cả các công việc, các định mức, chi tiêu, số tiền và các nguồn lực khác cần phải có.”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh tất cả các dự án đó sẽ được công bố rộng rãi để tranh thủ ý kiến của công luận, của các chuyên gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành; báo cáo xin ý kiến của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực và cả Ủy ban Quốc gia đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục sắp được thành lập.

Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và ký ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo với Quốc hội nếu công việc vượt quyền của Thủ tướng Chính phủ./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.