Tỷ lệ thu gom rác chưa đạt

Dù được UBND tỉnh Đồng Nai cấp đất để giao cho các doanh nghiệp đầu tư NMXLR, nhưng tiến độ dự án chậm và xảy ra nhiều sai phạm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước sự gia tăng dân số mạnh mẽ ở các khu đô thị, sự hình thành phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm gia tăng nhanh chóng lượng chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh cả về số lượng và thành phần phức tạp, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2862/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 về công tác quản lý quy hoạch chất thải rắn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 22/02/2014 điều chỉnh Quyết định số 286/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 quy định phân công trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 185/2008/NQ-UBND ngày 11/12/2015  điều chỉnh Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND và đề ra chỉ tiêu đến năm 2020: “Thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, trong đó, tỷ lệ chôn lấp không quá 15%” và Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 11/01/2017 của Tỉnh ủy, trong năm 2017 tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt dưới 15%.

leftcenterrightdel

Xác động vật bị thối rữa còn sót lại bên ngoài bãi chôn lấp rác (Ảnh: Nguyễn Lánh)

 

Căn cứ quy hoạch thì trên địa bàn tỉnh có 9 khu xử lý, với tổng diện tích quy hoạch 438,6 ha. Rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay được xử lý theo hai phương pháp chính là chôn lấp hợp vệ sinh và làm phân vi sinh. Đối với chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại được thu gom và xử lý bởi các đơn vị được cấp phép hành nghề theo quy định. Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay được xử lý theo nhiều phương pháp như đốt, tái chế, chôn lấp hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai hiện nay công tác thu gom, xử lý các chủng loại chất thải chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chất thải nguy hại lượng phát sinh khoảng 251,1 tấn/ngày, lượng thu gom, xử lý khoảng 243,4 tấn/ngày, đạt 97%. Chất thải sinh hoạt lượng phát sinh khoảng 1.622 tấn/ngày, lượng thu gom, xử  lý khoảng 1.564 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 96,4%.

Nhiều sai phạm

Trên địa bàn tỉnh có 16 dự án đăng ký đầu tư vào 9 khu xử lý chất thải theo quy hoạch, trong đó có 13 dự án xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Có 8 dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp, 5 dự án do UBND tỉnh cấp, 2 dự án đang lập thủ tục đầu tư thực hiện dự án, 1 dự án có văn bản xin rút không thực hiện dự án.

Về tiến độ thực hiện dự án có 5 dự án thực hiện đầu tư xây dựng hạng mục theo tiến độ xây dựng. Có 8 dự án chưa hoàn thành các hạng mục theo tiến độ (Dự án tại huyện Long Thành của Công ty TNHH TMDV Phúc Thiên Long, Công ty TNHH Tân Thiên Nhiên; Dự án tại huyện Vĩnh Cửu của Công ty CP môi trường Sonadezi; Dự án tại huyện Cẩm Mỹ của Công ty TNHH TM Thiên Phước; Dự án tại huyện Xuân Lộc của Công ty TNHH Cù Lao Xanh; Dự án tại huyện Tân Phú, huyện Định Quán của Công ty TNHH TMXD Đa Lộc; Dự án tại huyện Trảng Bom của Công ty TNHH Tài Tiến).

Những dự án nêu trên không thực hiện đúng tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

leftcenterrightdel

Mặc dù đã có quyết định di dời, nhưng những chiếc xe tải chở rác vẫn ra vào nhà máy (Ảnh: Nguyễn Lánh)

 

Đối với 12 dự án đang hoạt động, có 5 dự án có tỷ lệ chôn lấp rác không quá 15%; Còn lại 7 dự án có tỷ lệ chôn lấp trên 15%. Cụ thể, 5 dự án thực hiện chôn lấp 100% là: Dự án tại huyện Long Thành của Công ty TNHH TMDV Phúc Thiên Long; Dự án tại TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu của Công ty CP môi trường Sonadezi; Dự án tại huyện Trảng Bom của Công ty TNHH Tài Tiến; Dự án tại huyện Cẩm Mỹ của Công ty TNHH Thương mại Thiên Phước. Có một dự án thực hiện chôn lấp 37% của Công ty CP môi trường Đồng Xanh, 1 dự án thực hiện chôn lập 80% tại huyện Xuân Lộc của Công ty TNHH Cù Lao Xanh.

Đến 31/10/2016, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đối với 13 dự án, còn lại 3 dự án chưa nộp hồ sơ để xin giao đất, cho thuê đất. Diện tích theo quy hoạch là 438,6 ha, diện tích đất thực tế đã giao cho chủ đầu tư quản lý là 335,9 ha, diện tích đã sử dụng là 146,35 ha và diện tích chưa sử dụng là 189,59 ha, chiếm 56,4% so với diện tích đất đã giao. Trong đó, có 2 dự án được giao đất với diện tích lớn, vượt nhu cầu sử dụng đất thực tế theo tiến độ và các giai đoạn thực hiện của dự án.

Mặt khác, nhiều dự án không đảm bảo tiêu chí cách xa khu dân cư nên ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh khu xử lý. Việc quy hoạch công nghệ xử lý chất thải rắn chưa đồng bộ, thống nhất, trong khi các dự án có ĐTM do Bộ TN-MT phê duyệt còn có sự khác nhau về công nghệ xử lý chất thải rắn và thời gian thực hiện.

Đình Quân – Nguyễn Lánh