Kịch bản không mới nhưng người dân vẫn mắc bẫy lừa

Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Xuyên (Công an tỉnh Vĩnh Phúc), đơn vị vừa điều tra làm rõ, bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao.

Vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện Bình Xuyên, bị hại bị lừa trên 700 triệu đồng bằng một kịch bản không mới. Cụ thể, vào hồi 7h57’ ngày 25/7/2024, anh D.V.H, ở xã Hương Sơn (huyện Bình Xuyên), Phó Giám đốc một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng ở Bình Xuyên nhận được một cuộc gọi của người tự xưng tên Huy làm ở Trường Cơ khí Tam Hợp hỏi mua nguyên vật liệu xây dựng và nội thất. Sau đó, Huy kết bạn zalo với anh H. để đặt mua xi măng, cát, đá, thép và cả giường, ghế, máy chiếu, đệm cao su, chăn ga nói là để phục vụ cho nhà trường.

Anh H. nói với Huy công ty của anh không bán nội thất thì Huy giới thiệu cho anh H. “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương” có địa chỉ ở Kinh Môn, Hải Dương, chi nhánh ở Phủ Lý, Hà Nam, gợi ý anh H. lấy nội thất ở doanh nghiệp đó để bán cho Trường cơ khí Tam Hợp thì anh H. đồng ý. Sau đó, Huy chốt số lượng hàng hóa mua của anh H. gồm xi măng, cát, đá, thép với tổng giá trị 57 triệu đồng và số lượng nội thất chiếu, đệm, gối, giường, chăn…với tổng trị giá trên 1,5 tỉ đồng. Tổng số tiền Huy thỏa thuận giao dịch với anh H. là trên 1,6 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các đối tượng tại Cơ quan Công an. Ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến 13h51' ngày 25/7, Huy gửi hình ảnh chụp màn hình điện thoại với nội dung chuyển tiền thành công số tiền trên 1,6 tỉ đồng theo thỏa thuận mua bán cho anh H. Tuy nhiên, anh H. kiểm tra tài khoản ngân hàng trên điện thoại thì không thấy báo nhận được tiền. Anh H. trực tiếp ra ngân hàng kiểm tra thì ngân hàng cũng xác định tài khoản của anh không nhận được tiền. Anh H điện thoại hỏi thì Huy trả lời số tiền thanh toán được chuyển từ tài khoản của nhà trường, do khác hệ thống ngân hàng nên sẽ bị chậm và nếu giao dịch chuyển tiền không thành công thì nhà trường sẽ thanh toán 100% tiền mặt cho anh H. Tin tưởng Huy, anh H giao dịch trao đổi qua điện thoại với người Huy giới thiệu là nhân viên của “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương” để mua nội thất theo đặt hàng của Huy với tổng số tiền hàng là trên 1,4 tỉ đồng.

Theo đó, anh H sẽ được lời 98 triệu đồng khi bán lại cho Huy. Sau đó, người xưng là nhân viên của “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương” hẹn khoảng 17h cùng ngày thì sẽ có hàng về đến nhà anh H và đề nghị anh H phải chuyển trên 700 triệu đồng tiền cọc. Tiếp đó, đến hơn 15h cùng ngày, có một số điện thoại gọi cho anh H. giới thiệu là nhà xe của “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương” nói sẽ giao hàng cho anh H. vào khoảng 17h00 cùng ngày. Không nghi ngờ gì, anh H. đã chuyển tiền hơn 700 triệu đồng tiền cọc cho “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương”. Tuy nhiên, anh H đợi mãi cả ngày hôm đó vẫn không thấy lái xe giao hàng, tài khoản ngân hàng cũng không thấy nhận được trên 1,6 tỉ đồng của Huy. Anh H. bèn gọi điện thoại cho Huy, “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương” và người xưng là lái xe giao hàng nhưng đều không liên lạc được. Lúc này anh H. mới biết mình đã bị lừa nên đã đến Cơ quan Công an trình báo.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của bị hại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Xuyên đã tổ chức xác minh điều tra, xác định anh H. đã mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao.

Trên thực tế, Trường cao đẳng cơ khí nông nghiệp ở xã Tam Hợp không có nhân viên nào tên là Huy thực hiện giao dịch mua bán với anh H. và nhà trường cũng không có nhu cầu mua các loại hàng hóa như đối tượng tên Huy trao đổi với anh H. Đồng thời, cũng không có nhân viên nào của “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương” đã giao dịch mua bán với anh H. mà đó  hoàn toàn là màn kịch do các đối tượng lừa đảo dàn dựng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh H.

Khẩn trương lần theo dấu vết nóng, đến nay Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Xuyên đã bắt giữ được 3 đối tượng liên quan đến vụ việc là Lương Văn Hiền, SN 2002; Vi Văn Tôn, SN 2006, cùng ở Ea Súp- Đắk Lắk; Trần Hoàng Vũ, SN 2002, ở Sông Cầu - Phú Yên. Đây là các đối tượng đã cho đối tượng lừa đảo anh H. sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận tiền của anh H. chuyển khoản vào dưới danh nghĩa tài khoản của “Doanh nghiệp nội thất Ánh Dương”.

Tại Cơ quan điều tra, Vi Văn Tôn khai nhận được một đối tượng lạ mặt liên lạc qua facebook đề nghị cho mượn tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Cụ thể là, đối tượng đề nghị được sử dụng tài khoản ngân hàng của Tôn để nhận tiền từ các tài khoản khác chuyển khoản đến, sau đó Tôn sẽ chuyển số tiền nhận được vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Nếu đồng ý, Tôn sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Do tài khoản ngân hàng của Tôn không đủ điều kiện giao dịch nên Tôn đã liên lạc với bạn là Lương Văn Hiền đề nghị Hiền làm việc này và Hiền đồng ý.

Còn Trần Hoàng Vũ khai nhận cũng được một người bạn đề nghị sử dụng tài khoản ngân hàng để tham gia trung chuyển tiền lấy hoa hồng. Giống như Tôn và Hiền, mặc dù biết rõ đó là nguồn tiền không rõ nguồn gốc liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi, Vũ đã nhận lời. Tài khoản Ngân hàng của Lương Văn Hiền và Trần Hoàng Vũ chính là tài khoản mà anh D.V.H, ở xã Hương Sơn đã chuyển số tiền hơn 700 triệu đồng vào. Hành vi của Trần Hoàng Vũ, Vi Văn Tôn và Lương Văn Hiền đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xử lý nghiêm đối với hoạt động lừa đảo trên không gian mạng

Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 19 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng số tiền thiệt hại hơn 3,8 tỉ đồng, đã khởi tố 14 vụ với 5 bị can, thu hồi số tiền hơn 17,3 triệu đồng.

Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên còn đó không ít những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Các đối tượng sử dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô, mức độ ngày càng lớn, hoạt động liên tỉnh nên quá trình điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn. Số điện thoại của đối tượng sử dụng liên hệ với bị hại phần lớn được thực hiện từ nước ngoài như Trung Quốc, Campuchia, Lào... hoặc vùng giáp biên.

Số tài khoản ngân hàng mà đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tiền của bị hại đều do đối tượng mua bán qua nhiều người nên không xác định được người sử dụng. Cùng với đó, ý thức phòng ngừa, cảnh giác với các thủ đoạn phạm tội của người dân chưa cao, một bộ phận quần chúng Nhân dân còn tư tưởng “hám lời” nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.

Một số cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo mật cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, chủ quan với các cảnh báo an ninh, an toàn thông tin mạng của các cơ quan chức năng; dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Một số bị hại sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản không dám trình báo hoặc nhiều ngày mới trình báo cơ quan chức năng do vậy rất khó khăn cho quá trình điều tra xác minh và thu hồi tài sản.

leftcenterrightdel
 Công an huyện Bình Xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS Bá Hiến.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, ổ nhóm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó, áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết 100% tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng theo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền; nội dung tuyên truyền tập trung về các phương thức, thủ đoạn và cách phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ án, vụ việc để các tổ chức, cá nhân tăng cường cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, điều tra, làm rõ, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản để góp phần răn đe, phòng ngừa chung.

leftcenterrightdel
Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trường Cao đẳng FPT Polytechnic - Vĩnh Phúc tổ chức tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. 

Theo Thượng tá Nguyễn Đỗ Huấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho người dân về các phương thức, thủ đoạn mới, lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông; kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng để người dân biết và cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm và hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh với loại tội phạm này. Cùng với đó, Công an tỉnh đã ban hành Đề án số 1016 về phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.

Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; đẩy mạnh công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác điều tra, xử lý án về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Hà Trần