Theo Công an xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, trước đây trên địa bàn đã có nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đó là ông Đỗ Xuân Vĩnh ở xã Thanh Vân. Các đối tượng giả danh Cơ quan Công an gọi điện cho ông Vĩnh đe dọa ông liên quan đến một đường dây tội phạm nên phải chuyển toàn bộ tiền ông có trong ngân hàng cho các đối tượng để chúng xác minh xem số tiền đó có phải là tiền do ông phạm tội mà có không. Hậu quả, ông đã bị đối tượng lừa hơn 400 triệu đồng, là toàn bộ số tiền ông tích cóp cả đời cho tuổi già. Ông Vĩnh không phải là trường hợp cá biệt. Trong thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
|
|
Công an huyện Tam Dương tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng. |
Để tuyên nâng cao nhận thức cho người dân về loại hình tội phạm này và cách phòng tránh, Công an xã Thanh Vân đã tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân tại các thôn trên địa bàn xã, đồng thời, mới đây, đã phối hợp với chính quyền thôn Viên Du Hoà, Trại Giềng, xã Thanh Vân tổ chức Tuyên truyền lừa đảo trên không gian mạng cho công dân trên địa bàn thôn. Qua những cuộc tuyên truyền như vậy, người dân nhất là những người có tuổi sẽ có thêm thông tin để nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo.
Lực lượng Công an xã thường xuyên phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện Tam Dương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho nhân dân cũng như các kỹ năng nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, công an xã đẩy mạnh trang bị kiến thức phòng, chống tội phạm lừa đảo trên các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook chính thống của lực lượng công an địa phương, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm. Tổ chức ký cam kết đến 100% hộ dân, đề nghị “không nghe, không tin và không làm theo” những hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng không quen biết…
|
|
Công an huyện Tam Dương tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng. |
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của loại hình tội phạm công nghệ cao, Công an huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp đa dạng, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên địa bàn. Trong đó, liên tục cập nhật các thủ đoạn mới như các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, cả tin và nhu cầu cấp thiết của người dân để tiến hành các hành vi lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi và đa dạng như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật, giả danh nhân viên ngân hàng, giả danh nhân viên bán hàng online, giả danh nhân viên y tế, giả danh bạn bè, người thân, giả danh các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng…
Để tuyên truyền sâu rộng tới người dân trên địa bàn và nhận thức được tính chất nghiêm trọng và nguy hiểm của loại tội phạm này, Công an huyện Tam Dương đã triển khai áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn tội phạm trong đó đặc biết chú trọng vào công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm và biện pháp phòng tránh với nhiều hình thức đa dạng như:
Tham mưu UBND các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh tại các địa phương; Công an các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền tới từng thôn, xóm, tổ dân phố về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, biện pháp phát hiện, phòng ngừa.
Lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an các xã, thị trấn, lực lượng ANTT cơ sở tăng cường tuyên truyền về phòng chống tội phạm theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” đồng thời vận động ký cam kết về việc đã được tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và cảnh giác, phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo qua mạng. Niêm yết áp phích tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng tại các điểm công cộng, nơi tập trung đông người, tại các hộ gia đình để người dân dễ theo dõi, nâng cao nhận thức, giảm thiểu nguy cơ bị tội phạm mạng lợi dụng vào các hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật, không để người dân nào không tiếp cận, cập nhật các thông tin tuyên truyền, thực hiện theo phương châm “Một nhà ít nhất một bảng tuyên truyền”.
Vận động các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội liên hiệp thanh niên... tích cực tham gia tuyên truyền với người thân bạn bè về phương thức thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng với phương châm “Mỗi hội viên là một tuyên truyền viên”.
Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm lừa đảo trên mạng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những khó khăn và thách thức do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cao, sự biến đổi liên tục của thủ đoạn và phương thức của các đối tượng. Do đó, cần sự hợp tác và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đặc biệt là sự chủ động và cảnh giác của người dân để cùng nhau ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, nhất là Công an các xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho người dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin lừa đảo trên mạng internet. Tăng cường nắm tình hình, lập hồ sơ quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, mạng viễn thông và có điều kiện, khả năng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính, bất động sản, chứng khoán biến tướng, sử dụng mạng internet để kêu gọi đầu tư, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm cho vay và các công ty cung cấp sản phẩm cho vay trên các nền tảng di động và qua mạng internet.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tình hình đăng ký tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh, chú ý các địa bàn tập trung người nước ngoài cư trú, hoạt động và địa điểm có nhiều người nước ngoài thuê trọ, không để tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là liên quan đến lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đơn vị nghiệp vụ tiếp nhận đầy đủ, phân loại, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với những tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung lực lượng khẩn trương điều tra các vụ án, làm rõ các đối tượng liên quan, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân cùng cấp chủ động trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Quần chúng Nhân dân phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi ngờ liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đề nghị thông tin ngay cho chính quyền hoặc cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc đường dây nóng 069.262.1236.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết gần đây tiếp nhận nhiều trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, và xuất hiện thủ đoạn mới là giả danh shipper (người giao hàng hóa). Công an nêu trường hợp của ông T. khi ông này nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0325.595.xxx, xưng là shipper và thông báo có kiện hàng trị giá 321.000 đồng.
Do không có ở nhà, ông T. bảo shipper để hàng ở cổng, gửi số tài khoản ngân hàng cho mình để chuyển khoản thanh toán. Sau đó, shipper gọi lại cho ông T. nói đã gửi nhầm số tài khoản là số đăng ký thẻ hội viên "Giao Hàng Tiết Kiệm". Nếu chuyển tiền vào tài khoản đó, trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng tài khoản của ông T. bị trừ tự động 6,8 triệu đồng.
Người này lập tức gửi một đường link Facebook nói là của trung tâm vận chuyển để ông T. liên hệ hủy đăng ký hội viên. Lo sợ bị trừ tiền trong tài khoản hàng tháng, ông T. đã thực hiện theo các yêu cầu và thực hiện chuyển khoản hơn 300 triệu đồng.
Khi giao dịch cuối cùng thực hiện thành công, đối tượng thông báo đã hoàn thành các lệnh, hệ thống sẽ chuyển trả cho ông T. toàn bộ số tiền trên. Để làm tin, kẻ này còn gửi ảnh chụp các giao dịch thành công cho ông T. Đến ngày hôm sau vẫn không nhận được tiền, ông T. liên hệ tổng đài ngân hàng mới phát hiện bị lừa đảo.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định đây là hình thức lừa đảo mới. Các đối tượng thông qua livestreams - bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng "chốt đơn". Thậm chí, các đối tượng mua bán, trao đổi thông tin khách hàng qua nhiều kênh khác nhau. Sau đó, chúng giả danh người giao hàng thuộc các công ty vận chuyển có tiếng để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi người dân không có ở nhà.
Lúc đó, đối tượng giả danh Shipper nói đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm… và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, chúng sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền và sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link lạ để chiếm quyền điều khiển thiết bị hoặc chiếm đoạt tài khoản ngân hàng…
Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua.
Người dân được khuyến cáo không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy. "Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng công an nơi gần nhất", Công an Vĩnh Phúc khuyến cáo.
|
Giả danh công an gọi điện hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt của một người phụ nữ hơn 15 tỉ đồng
Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 5/4/2024, bà P sinh năm 1956, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói Căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày tới sẽ bắt bà. Do lo sợ nên bà P đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỉ đồng. Sau đó, bà P biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Trước thông tin trên, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để ra tay lừa đảo. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải tuyên truyền cho người cao tuổi để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
|