Công nghiệp Vĩnh Phúc duy trì đà tăng trưởng ấn tượng

Tháng 4/2025 ghi nhận những tín hiệu khởi sắc từ ngành công nghiệp Vĩnh Phúc với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,15% so với tháng trước và vọt 14,39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP toàn tỉnh tăng 13,36%, vượt xa mức tăng 9,13% cùng kỳ 2024 - minh chứng cho đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế công nghiệp địa phương.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - trụ cột tăng trưởng - tăng 6,17% trong tháng. Nhiều ngành khác như sản xuất, phân phối điện và xử lý nước thải cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, các lĩnh vực chủ lực như sản xuất linh kiện điện tử, da giày... tăng tốc nhờ doanh nghiệp nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, cải tiến công nghệ và khai thác hiệu quả các đơn hàng xuất khẩu.

leftcenterrightdel
 Dây chuyền hiện đại sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Valuetronic Việt Nam, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên). Ảnh: Thế Hùng

Từ một khu công nghiệp (KCN) đầu tiên chỉ 50ha vào năm 1998, đến nay Vĩnh Phúc đã có 17 khu công nghiệp được cấp phép, với 9 khu và 16 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60% ở KCN và hơn 42% ở CCN. Tỉnh đang chuẩn bị đưa vào vận hành thêm 3 khu công nghiệp mới trong năm 2025, đồng thời quy hoạch phát triển 29 khu công nghiệp đến năm 2050, ưu tiên dọc các trục giao thông chiến lược như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Vành đai 4, Vành đai 5.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc thu hút 17 dự án đầu tư mới, trong đó có 10 dự án FDI và 7 dự án DDI, tổng vốn đăng ký và điều chỉnh đạt trên 162 triệu USD và hơn 1.287 tỉ đồng. Quý I/2025, doanh thu các dự án FDI đạt gần 3,3 tỷ USD (tăng 13%), xuất khẩu đạt gần 2,84 tỉ USD (tăng 15%) và nộp ngân sách hơn 2.100 tỉ đồng (tăng 24%). Dự án DDI cũng tăng mạnh, với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng, đóng góp 237 tỉ đồng vào ngân sách - tăng tới 72% so với cùng kỳ.

leftcenterrightdel
 Chủ đầu tư tăng tốc hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Tam Dương SHI IP, sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Ảnh Chu Kiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công nghiệp Vĩnh Phúc vẫn đối mặt thách thức về chiều sâu phát triển. Tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, chất lượng nhân lực hạn chế, công nghiệp phụ thuộc lớn vào nhóm cơ khí, điện tử (chiếm tới 90% giá trị sản xuất). Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, tỉnh xác định rõ định hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại và sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong kỷ nguyên hậu công nghệ.

Hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định, Vĩnh Phúc hội tụ đầy đủ các điều kiện lý tưởng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực công nghệ cao đang dẫn dắt xu thế toàn cầu. Với vị trí chiến lược nằm sát Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nhanh chóng tới các trung tâm công nghiệp lớn, cùng hệ thống logistics hiện đại (trong đó có cảng cạn ICD), Vĩnh Phúc đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

leftcenterrightdel
 Công ty TNHH Partron Vina (Khu công nghiệp Khai Quang) là một trong những doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có quy mô lớn, mức tăng trưởng cao.

Địa chất ổn định, ít thiên tai, hệ thống điện ổn định và chất lượng giáo dục luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước là những lợi thế quan trọng giúp Vĩnh Phúc thu hút các dự án công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất vi mạch, chip, trí tuệ nhân tạo. Với định hướng rõ ràng, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch hơn 4.500 ha đất dành cho các khu công nghiệp công nghệ cao, trong đó có các khu chuyên biệt phục vụ phát triển ngành bán dẫn.

Hiện tại, tỉnh có 17 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó 9 khu đã đi vào hoạt động, 3 khu đang triển khai xây dựng và 5 khu thực hiện giải phóng mặt bằng với tổng diện tích hơn 3.140 ha. Đến cuối tháng 5/2025, các dự án FDI tại KCN đạt hơn 246 triệu USD, còn DDI đạt trên 17.660 tỉ đồng.

Bên cạnh môi trường đầu tư thuận lợi, Vĩnh Phúc cũng là “cái nôi đổi mới sáng tạo” với thành tích giáo dục nổi bật. Hai năm liền, tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT - nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghệ cao.

Các doanh nghiệp trong tỉnh hiện đã xuất khẩu sản phẩm bán dẫn và linh kiện điện tử sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Các công ty như Jahwa Vina, Heasung Vina, Partron Vina, Power Logics Vina... liên tục mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple, Dell, Google. Đáng chú ý, Partron Vina - doanh nghiệp Hàn Quốc - đã nâng vốn đầu tư từ 4 triệu USD lên gần 270 triệu USD để tăng công suất sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại KCN Khai Quang.

Tuy nhiên, con đường phát triển công nghiệp bán dẫn tại Vĩnh Phúc không ít thách thức. Hiện tỉnh vẫn thiếu quỹ đất sạch hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại các KCN mới còn hạn chế, trong khi các yêu cầu cho ngành bán dẫn rất khắt khe về môi trường và chuỗi cung ứng chuyên biệt.

Nguồn nhân lực cũng là điểm nghẽn. Ngành bán dẫn đòi hỏi kỹ sư và công nhân lành nghề được đào tạo chuyên sâu - điều mà hiện nay tỉnh chưa thể đáp ứng đầy đủ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo chưa thực sự chặt chẽ, và chưa có chương trình đào tạo riêng cho lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, Vĩnh Phúc đang phải cạnh tranh quyết liệt với các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng – những nơi có lợi thế vượt trội về cơ chế chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tỉnh cũng chưa có “đầu tàu” là các tập đoàn bán dẫn quy mô lớn để dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa chuỗi giá trị. Dù còn không ít rào cản, nhưng với quyết tâm, chiến lược đúng đắn và những bước đi cụ thể - từ quy hoạch đất, cải thiện môi trường đầu tư đến tham gia vào Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn - Vĩnh Phúc đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành “Thung lũng Silicon” của Việt Nam.

Cải cách hành chính - Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đột phá thu hút đầu tư

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, chuyển từ tư duy “quản lý” sang “hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp”, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như: công nghiệp điện tử, bán dẫn, viễn thông, cơ khí chế tạo, ô tô - xe máy, vật liệu mới... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, sẵn sàng quỹ đất sạch để đón làn sóng đầu tư mới.

Vĩnh Phúc cũng chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy chuyển đổi số và áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến. Tỉnh đang tập trung thu hút nhà đầu tư chiến lược thông qua xúc tiến đầu tư, đối thoại, hội thảo chuyên đề.

leftcenterrightdel
 Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Trần Quang Ngọc trao mô hình tháp gốm men chùa Trò tặng lãnh đạo Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).

Với mục tiêu đưa bán dẫn trở thành ngành mũi nhọn, Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các giải pháp: cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng KCN công nghệ cao chuyên biệt, xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù về thuế, đất đai, R&D, công nghệ và đào tạo nhân lực.

Tỉnh đẩy mạnh liên kết với các đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ cao, khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực chip, AI, vi mạch.

Vĩnh Phúc đang tích cực rà soát, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư công nghệ cao; đồng thời, phối hợp với các tập đoàn lớn để phát triển nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm như bán dẫn, điện tử, cơ khí, logistics.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành hàng loạt dự án FDI, DDI, đầu tư công, KCN - CCN, đô thị, nhà ở xã hội; tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy phân cấp - phân quyền, đẩy mạnh chuyển đổi số trong điều hành.

leftcenterrightdel
 Công ty TNHH công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) linh hoạt thích ứng trong kinh doanh, tăng cường liên kết với các đối tác hàng đầu ngành công nghiệp chế tạo đảm bảo các kế hoạch tăng trưởng. Ảnh: Đức Chung

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Vĩnh Phúc cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững.” Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng tái tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Vĩnh Phúc kết nối đầu tư chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao

Nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc), vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan (ITRI) đã có buổi làm việc quan trọng tại Đài Loan, đánh dấu bước tiến mới trong phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh chiến lược hợp tác toàn diện nhằm phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao tại môi trường Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc. 3 trụ cột chính được đặc biệt nhấn mạnh gồm quy hoạch hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt cho sự thành công của mô hình khu công nghiệp thế hệ mới. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Trần Quang Ngọc thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Vĩnh Phúc với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Vĩnh Phúc sẵn sàng tiếp nhận và triển khai các mô hình đầu tư công nghệ cao theo chuẩn quốc tế, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn CNCTech khẳng định rõ định hướng của doanh nghiệp trong việc phát triển mô hình khu công nghiệp công nghệ cao gắn liền với hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, CNCTech không chỉ đơn thuần xây dựng các khu công nghiệp truyền thống mà hướng tới việc kiến tạo những hệ sinh thái công nghiệp tiên tiến và bền vững.

ITRI thể hiện sự cam kết hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp tại tỉnh trong việc phát triển khu công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, ITRI sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong lập quy hoạch, thiết kế tổng thể và chi tiết từ cấp tỉnh đến khu công nghiệp. Ngoài ra, với mạng lưới rộng lớn và uy tín, ITRI sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng từ Đài Loan đến Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Phúc. Với kinh nghiệm phát triển công nghệ của ITRI, định hướng chiến lược của CNCTech và sự ủng hộ từ chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, những khu công nghiệp công nghệ cao tiêu chuẩn quốc tế được kỳ vọng sẽ sớm hình thành tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.


PV