Tập trung nhận diện tội phạm lợi dụng công nghệ cao

Chỉ thị nêu rõ, vào thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, hoạt động của các loại tội phạm sẽ phức tạp, đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ cao hơn đối với công tác của lực lượng Công an.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại lễ ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu phải tập trung nhận diện, trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, liên quan "tín dụng đen", sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp. Đấu tranh quyết liệt với "tội phạm đường phố", giải quyết hiệu quả tình trạng nhóm thanh, thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Tội phạm lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt động - nhất là hành vi lừa đảo, cờ bạc, mại dâm cần phải được nhận diện, phát hiện, đấu tranh triệt phá. Người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị VKSND tỉnh, TAND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với công an trong điều tra, xử lý tội phạm; kịp thời đưa ra truy tố, xét xử lưu động một số vụ án điểm trong đợt cao điểm để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe tội phạm, phòng ngừa chung.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc được giao chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, truyền thông về phòng chống tội phạm, góp phần nâng cao cảnh giác, ý thức tự phòng ngừa của người dân - nhất là đối với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời, Sở phối hợp với công an phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng - nhất là gỡ bỏ các tài khoản, trang mạng, hội nhóm truyền bá các thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước; các vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân và hoạt động của tội phạm lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá, gian lận thương mại.

leftcenterrightdel
 Đại tá Thân Văn Hải, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại lễ ra quân.

Đại tá Thân Văn Hải, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ tính chất quan trọng của đợt cao điểm; tăng cường chỉ huy, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, tập trung cao độ lực lượng, phương tiện phục vụ tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh văn hóa, tư tưởng.

Mục tiêu đề ra, phấn đấu giảm 5% tội phạm hình sự; giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt tỷ lệ 90% trở lên; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt từ 85% trở lên, trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 100%, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Các đơn vị công an chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp đảm bảo an ninh trật tự phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, kiên quyết không để hình thành tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Đấu tranh mạnh với các đối tượng liên quan đến tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, công nghệ cao, buôn bán hàng cấm; chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm cờ bạc, mại dâm, nhất là các hình thức đánh bạc, cá độ bóng đá trên không gian mạng. Điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, môi trường, hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác thường xảy ra trong dịp Tết.

Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Thời gian qua, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên phải đối mặt với các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân đến lừa đảo tình cảm, đầu tư, việc làm, liên quan đến pháp luật… Mục đích của các đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đánh giá của cơ quan công an, tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, khó lường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện 107 vụ việc, tăng 14 vụ việc so với năm 2023.

Theo Thượng tá Trịnh Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh đã thực hiện đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Từ đầu năm 2024 đến nay, công các cấp trong tỉnh đã phát hiện, điều tra và khởi tố 11 vụ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đến quần chúng nhân dân.

leftcenterrightdel
 

Bên cạnh biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an, các ngành, đơn vị, địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho các tầng lớp nhân dân. Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với công an các huyện, thành phố, trường học tổ chức tuyên truyền, truyền đạt các nội dung về nhận diện thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật; trách nhiệm khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những kiến thức pháp luật trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội và tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh…

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia vừa công bố Báo cáo nghiên cứu, khảo sát An ninh mạng năm 2024. Kết quả, cứ 220 người dùng thì sẽ có một người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỉ đồng. Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp. Theo chuyên gia của Hiệp hội, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo, đồng thời giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt.

Hơn nữa, mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các chiêu trò, phương thức hoạt động của các đối tượng, từ đó cảnh báo cộng đồng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho nhiều người khác. Do đó, báo cáo không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, minh bạch, lành mạnh hơn cho cộng đồng.

Báo cáo cũng chỉ ra, hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo kết quả khảo sát, hơn 70% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao, khoảng 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, toà án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe doạ phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật. Khoảng 60% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường. Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân. Một số công cụ khác như dùng ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân, dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc. Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật - giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.

Theo nhận định của Hiệp hội An ninh mạng Việt Nam, năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Điện toán lượng tử, dù còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng cũng có khả năng phá vỡ các thuật toán mã hóa truyền thống, gây lo ngại lớn cho việc bảo vệ dữ liệu. Hacker có thể sử dụng AI để tự động hóa các cuộc tấn công. Công nghệ 5G phát triển sẽ kéo theo số lượng thiết bị IoT tăng mạnh, cùng với đó sẽ có nhiều lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị này có thể bị khai thác, từ camera an ninh, đồng hồ thông minh đến thiết bị gia dụng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Người cũng cũng có thể sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại.

leftcenterrightdel
 

Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Trong thời gian tới, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường nắm tình hình, nhận diện phương thức hoạt động để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh phù hợp với loại tội phạm này. Song, quan trọng nhất, người dân cần chủ động, tỉnh táo trước những chiêu trò, thủ đoạn mà đối tượng thường hay sử dụng để không bị sập bẫy. Đồng thời, người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, tư pháp. Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, cư trú và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Lời cảnh tỉnh từ vụ Tiktoker Mr Pips: Đừng mù quáng trước các hoạt động đầu tư trực tuyến

Vụ việc Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips) dụ dỗ tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến, lừa đảo hơn 5.200 tỉ đồng cho thấy những mối nguy hiểm hiện hữu khi nhiều người bị sập bẫy trước hình thức lừa đảo này. Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần đặc biệt cẩn trọng, không nên tin các lời mời đầu tư tài chính dễ dàng với lợi nhuận cao để tránh sập bẫy kẻ gian.

Để bảo vệ tài sản của mình, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo:

• Người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo.

• Tuyệt đối KHÔNG TIN TƯỞNG vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, KHÔNG THAM GIA vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc.

• Không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính.

• Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, các đánh giá từ người dùng khác, và các chứng chỉ hợp pháp.

• Chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng tránh nguy cơ bị cài cắm mã độc, chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin cá nhân.

• Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng cho các đối tượng không rõ danh tính dưới mọi hình thức.

• Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.


Minh Hà