Với kiều bào ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì những người sống xa quê, đặc biệt là bà con người Việt ở nước ngoài, lại càng mong muốn được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.

leftcenterrightdel
 Bà Trần Thị Chang cùng gia đình du Xuân.

Bà Trần Thị Chang (Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam), hiện đang làm việc tại Viện tim quốc gia Malaysia cho biết, tâm trạng bồi hồi mỗi khi về quê đón Tết. Đây là ngày đoàn tụ của đại gia đình qua nhiều thế hệ, dù đi đâu hay ở bất cứ nơi nào thì ngày Tết cổ truyền đều chạm đến trái tim của những người con đất Việt.

Theo bà Chang, chỉ có người Việt Nam mới có những tình cảm ấm áp như vậy. Bà luôn mong muốn bà con kiều bào tại nước sở tại luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và cùng nhau hướng về quê hương đất nước. Chính vì vậy tất cả những ngày lễ lớn trong nước, đặc biệt ngày Tết cổ truyền của dân tộc là một trong những sự kiện thường niên của Hiệp hội hữu nghị Malaysia- Việt Nam.

“Sau 31 năm sống và làm việc tại Malaysia, tôi thấy đất nước Việt Nam mình phát triển rất nhiều so với trước. Mỗi lần về quê tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì chứng kiến sự thay đổi này của đất nước. Dù sống và làm việc xa tổ quốc nhưng tôi luôn luôn hướng về quê hương đất nước, mong muốn được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy tôi đã trở thành ‘cây cầu’ kết nối về chuyên ngành tim mạch Malaysia của viện tim quốc gia Malaysia với các bệnh viện của Việt Nam”, bà Chang chia sẻ.

leftcenterrightdel
 TS.Ngô Phẩm Trân (khăn quàng cổ màu xanh) trong hoạt động giới thiệu văn hóa, xúc tiến thương mại đầu tư về Việt Nam.

Còn anh Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc cho hay, công việc hiện tại của anh là làm nghiên cứu sinh kinh tế và giảng dạy các môn Kinh tế tại Đại học Công nghệ Sydney. Việc nghiên cứu có thể thực hiện online và thời gian này rơi vào dịp nghỉ hè của sinh viên Úc nên anh có thể sắp xếp thời gian về quê đón Tết.

Theo anh Đạt, Tết cổ truyền ấm áp hơn bất kỳ lễ hội nào. Đây là thời điểm mọi gia đình hòa mình vào không khí ngập tràn tình thân. Tết không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống và tổ tiên mà còn là thời khắc mọi người tỏ lòng biết ơn đối với những người cao tuổi. Việc thăm viếng, dâng hoa và trao nhau lời chúc tốt lành không chỉ là truyền thống mà còn là biểu hiện của sự kính trọng và tình cảm chan chứa.

Nét đẹp của Tết còn thể hiện qua sự hiệp nhất và đoàn kết của cả cộng đồng. Mọi người cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và hy vọng vào một năm mới tràn đầy may mắn và thành công. Tết không chỉ là lễ hội mà còn là biểu tượng của sự hòa hợp và sức mạnh của tình thân, tình bạn, tình cộng đồng, và tình yêu quê hương, đất nước.

Hằng năm, anh đều phối hợp cùng Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Úc tổ chức Tết cộng đồng nhằm tạo ra cơ hội cho cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là nhóm cha mẹ có con em là người Việt Nam sinh ra ở Úc có cơ hội tham gia, hòa mình vào dịp lễ quan trọng của đất nước và trau dồi cho các em về nét đẹp văn hóa cội nguồn.

Đồng thời, đây cũng là dịp cho các bạn du học sinh Úc không có dịp về quê ăn Tết được đón Tết ấm áp cùng cộng đồng Việt Nam tại nước sở tại, để các bạn bớt đi nỗi cô đơn khi ăn Tết xa nhà.

leftcenterrightdel
 Bà Vũ Thị Huỳnh Mai (áo đỏ), Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM chúc Tết kiều bào tiêu biểu.

“May mắn thay, mỗi năm tôi đều có cơ hội để về quê vào dịp Tết cổ truyền. Lần nào đặt chân về Việt Nam tôi cũng có cảm giác bồi hồi, hạnh phúc vì được gặp lại gia đình, anh em, bạn bè thân thiết tại Việt Nam. Trong những ngày Tết, chắc chắn tôi sẽ đi thăm, chúc Tết họ hàng, nấu bánh chưng, làm thịt kho hột vịt cùng gia đình, và không thể thiếu vài chén rượu đầu Xuân”, anh Đạt tâm sự.

TS.Ngô Phẩm Trân (kiều bào Đài Loan) cho biết, ở các nước tiên tiến trên thế giới thì không còn văn hóa truyền thống về Tết như ở Việt Nam. Họ chỉ biết làm việc và công việc, khoảng cách giữa người và người càng lúc càng xa.

Vì vậy, mỗi dịp Tết đến, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hay tổ chức viết thư pháp, các chương trình biểu diễn trang phục truyền thống, hoạt động gói bánh chưng, bánh dày…. mâm cơm đêm giao thừa để nhắc nhở con cháu về cội nguồn và văn hóa của gia đình.

“Tôi thường chỉ về quê dịp trước Tết, năm nay được ở lại Việt Nam lâu hơn, đến sau Tết mới đi. Dạo phố phường thấy không khí Tết ở trên khắp các con đường, những không khí này ở nước ngoài sẽ không bao giờ có, thỏa mãn sự khát khao của những kiều bào xa xứ khi trở về quê hương”, TS.Trân nói.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chi Minh luôn dẫn đầu trong công tác thu hút nguồn lực kiều bào với khoảng hơn 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên kết với Thành phố. TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có lượng kiều hối gửi về hàng năm chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước.

Lượng kiều hối năm 2023 ước đạt 16 tỉ USD, tăng 32% so với năm 2022. Riêng lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đạt gần 9,5 tỉ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nếu so sánh với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm qua của TP Hồ Chí Minh đạt 3,4 tỉ USD thì nguồn kiều hối chuyển về nước cao gấp 3 lần. Lượng kiều hối tại TP Hồ Chí Minh các năm qua chiếm khoảng 55 - 60% tổng lượng kiều hối cả nước.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, năm 2024, TP Hồ Chí Minh chọn chủ đề năm là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc Hội”.

Để thực hiện thành công chủ đề năm 2024, bên cạnh các ý kiến hiến kế, đề xuất, kết nối của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức, chính sách, tổ chức và cơ chế phối hợp; nhóm giải pháp đối với từng đối tượng, loại nguồn lực và nhóm giải pháp bồi dưỡng, phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở nước sở tại./.

Đại Lánh