Ngày 14/3, Hội cựu chiến binh Lữ đoàn 83 phối hợp với Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng cùng thân nhân liệt sĩ đã tham gia lễ tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh trong trận chiến tại bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Cách đây 33 năm, vào ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang xây dựng đảo đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thì bị Hải quân Trung Quốc tấn công.
Lực lượng hải quân Trung Quốc đã bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải của hải quân Việt Nam tại 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Trong trận chiến ấy, 64 đồng chí đã hy sinh anh dũng, 11 đồng chí bị thương và 9 người bị quân Trung Quốc bắt.
|
|
Các cán bộ, chiến sĩ có đồng đội hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma và thân nhân các gia đình liệt sĩ đã cùng đến thắp nén nhang tưởng nhớ 64 đồng chí đã hy sinh vì Tổ Quốc (ảnh: BT). |
Lực lượng hải quân Việt Nam đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chúng ta đã giữ được 2 đảo Cô Lin và Len Đao. Chúng ta đã dựng nên một vòng tròn bất tử khẳng định chủ quyền thiêng liêng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam….
Tại buổi lễ tưởng niệm, Ban liên lạc đã thiết kế mô phỏng hình ảnh con tàu HQ 604, phía trên thân con tàu này “chở” 64 bài vị ghi tên các chiến sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Gạc Ma.
Các cựu binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ có đồng đội hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma và thân nhân các gia đình liệt sĩ đã cùng đến buổi lễ tưởng niệm ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) để thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc.
|
|
Mẹ Lê Thị Lan - Mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc đã bật khóc khi cầm trên tay bài vị ghi tên con. (ảnh: BT) |
Nhiều người là thân nhân các liệt sĩ không cầm được nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng đau thương đó. Nhớ về người chồng là liệt sĩ Trần Văn Phòng cùng 64 liệt sĩ đã ngã xuống vì hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc (Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân) vừa nghẹn ngào vừa hát vang ca khúc "Gần lắm Trường Sa"…
Chị Lạc và anh Phòng cùng công tác tại Lữ đoàn 83, rồi nên duyên nghĩa vợ chồng từ đây. Khi con gái đầu lòng vừa tròn 1 tuổi, anh Phòng lên đường ra Gạc Ma làm nhiệm vụ, giữ vững tình yêu với Tổ quốc, tinh thần dũng cảm hy sịnh vào ngày 14/3/1988 để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mẹ Lê Thị Lan là mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc (quê huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã bật khóc khi cầm trên tay bài vị ghi tên con: “Đến bây giờ 33 năm rồi, con ra đi từ đó tới nay không chịu về… Tết năm 1988, con báo tin sẽ đi vô Cam Ranh để ra đảo làm xây dựng. Khi vô đó nó viết thư về hỏi thăm gia đình và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. Tui không ngờ đó là lần cuối cùng nó viết thư về nhà... Mẹ nhớ con lắm”.
|
|
Các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh Hải quân 83 đã cùng nhau đặt vòng hoa xuống mặt nước . (ảnh: BT) |
Trong nghi lễ thả vòng hoa trên biển, các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh Hải quân 83 đã cùng nhau đặt vòng hoa xuống mặt nước. Để những con sóng biển có thể mang tất cả vòng hoa, hoa đăng, hơn hết là những nỗi tiếc thương, tưởng nhớ, biết ơn của những người ở lại đối với những người chiến sĩ Gạc Ma đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.
Các cựu binh lặng im. Mắt rưng rưng và kính cẩn giơ tay chào đồng đội giữa biển khơi: “Các anh an nghỉ nhé!”.