leftcenterrightdel
“ATM gạo” phát miễn phí cho những người lao động nghèo. Ảnh: CTV  

Chuyện về “hũ gạo Bác Hồ”

Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn 1944 - 1945, đất nước ta khi ấy đã phải trải qua một nạn đói khủng khiếp khiến hàng triệu đồng bào không thể vượt qua được. Vì thế, ngay từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ lúc bấy giờ là diệt giặc đói.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó, theo Người, quan trọng nhất là: “phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo”.

Người nói: “Nhân dân đang đói… Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này (chính sách của phát xít Nhật – PV)… Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Người nêu ra biện pháp khắc phục: “Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất… Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. 

Tiếp đó, để cổ vũ tinh thần cứu đói, Người đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu Quốc số 53 (28/9/1945). Bài viết có đoạn: “…Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên…”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động tổ chức lạc quyên, tổ chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “hũ gạo cứu đói”… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn tại nhiều địa phương. Đến tận ngày nay, những hiện vật “hũ gạo cứu đói”, “hũ gạo tiết kiệm” vẫn được trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ,…, cũng như những bảo tàng ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

leftcenterrightdel
Một cụ già nhận gạo từ cây “ATM gạo” ở Hà Nội. 

Từ hũ gạo cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, sau này, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, phong trào tiết kiệm gạo như “hũ gạo nuôi quân”; “hũ gạo Bác Hồ” tiếp tục được phát động và phát triển. Đó là những bao gạo được vận chuyển bằng xe thồ ngược lên vùng đồi, núi hiểm trở nuôi quân, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Rồi đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng hạt gạo vẫn được nhân dân quyên góp để vận chuyển vào miền Nam nuôi bộ đội đánh giặc… Sau này, nhân dân ta vẫn quen gọi một cái tên chung là “hũ gạo Bác Hồ” như một điển tích để nhắc nhớ về một phong trào nghĩa tình, một trong những biểu tượng về truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc Việt Nam.

Chỗ dựa vững chắc

Trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, song song với công tác chỉ đạo quyết liệt chống dịch đêm ngày, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng hết mực quan đếm đến các vấn đề khác như kinh tế, xã hội, trong đó trọng tâm là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm.

Khi công cuộc phòng chống COVID-19 bước vào giai đoạn quan trọng, đỉnh điểm là Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc với phương châm ai ở đâu ở nguyên đó, không có việc cần thiết thì không ra ngoài đường, đóng cửa tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu…, nhưng các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm thì vẫn được phép mở cửa để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành bảo đảm tích trữ đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, Chính phủ đã có nghị quyết về gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng dành cho khoảng 20 triệu người dân, là các đối tượng có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do (bán vé số, xe ôm, xe ba gác…) để góp phần giúp những người khó khăn vượt qua đại dịch. Không chỉ có vậy, Chính phủ còn có nhiều chính sách và hành động cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vượt qua khó khăn như giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng và cho doanh nghiệp vay tiền với giá ưu đãi bằng gói hỗ trợ gần 300 nghìn tỉ đồng…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”. Kể từ đó, hàng triệu người dân cả nước đã chung tay ủng hộ với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

“Hũ gạo” thời COVID 

Ngày 6/4/2020, cả nước biết đến cây “ATM” gạo đầu tiên do anh Hoàng Tuấn Anh ở TP Hồ Chí Minh tạo ra. Sáng chế này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của người dân khắp cả nước. Thay vì cây ATM để rút tiền, người dân nghèo cần hỗ trợ sẽ đến xếp hàng, mỗi lượt, cây “ATM gạo” sẽ tự động phát ra 3kg gạo cho mỗi người đến lấy.

Sáng kiến này cũng đồng thời nhận được sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân, nhiều người đã tự nguyện chở gạo đến để góp vào cây “ATM gạo” phát cho người nghèo, làm cho nguồn cung cấp gạo ngày càng dồi dào hơn. Lan tỏa tinh thần thiện nguyện này, lần lượt ở TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác, các cây “ATM gạo” lần lượt xuất hiện để phát gạo miễn phí cho nhân dân. Nhiều người khó khăn, nghèo khổ nhờ đó mà có gạo ăn, có sức chống dịch và từng ngày vượt qua dịch bệnh.

leftcenterrightdel
Nhân dân ủng hộ phong trào quyên góp gạo cứu đói theo lời phát động của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh: Tư liệu). 

Mỗi tháng, cụ Lê Thị Xuân (98 tuổi, ở tổ Tân Ngọc, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) chỉ được hưởng 270.000 đồng chế độ dành cho người cao tuổi. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 đến, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, ngày 5/4, cụ đã tự mình đến Ban công tác mặt trận của tổ dân phố Tân Ngọc, mang theo 1kg gạo và 50 quả trứng vịt ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp đó, ngày 16/4, cụ Vũ Văn Vỵ (96 tuổi, ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã trao tặng món quà là 2 tấn gạo (khoảng 30 triệu đồng) để ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19. Cụ Vỵ cho biết, cụ không còn sức khỏe để tham gia chống dịch, cụ gửi món quà trên với mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn, chung tay cùng cả nước chống dịch. Số tiền này là do cụ gom góp từ những đồng lương thương binh hàng tháng của mình.

Không thể kể hết được những tấm lòng thơm thảo, những sự giúp đỡ, chung tay của hàng triệu người dân trên khắp mọi miền của đất nước và bà con kiều bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19. Đó có thể là những khoản đóng góp hàng trăm tỉ đồng của một tập đoàn lớn; hàng trăm triệu đồng của các doanh nghiệp hay thậm chí một cân gạo, một chục trứng gà, một mớ rau của các cụ già…, nhưng tất cả những sự chia sẻ ấy đã minh chứng cho một truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc.

Bác Hồ luôn nhấn mạnh về truyền thống và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hi vọng với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước Việt Nam giàu truyền thống nhân ái sẽ sớm chiến thắng được “giặc” COVID-19 để sớm đưa cuộc sống của nhân dân, đưa nền kinh tế của đất nước trở lại đà tăng trưởng ổn định và từng bước tăng cao hơn những năm trước.


Vũ Cảnh