Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Để triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này với mục đích xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Xác định trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thi hành Luật Phòng thủ dân sự.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Kế hoạch nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan đến phòng thủ dân sự để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới văn bản phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự. Thời gian hoàn thành là tháng 1/2024.

Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự; trình Chính phủ tháng 4/2024.

Ngoài ra, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung Luật Phòng thủ dân sự như: Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật đối với các cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức tuyên truyền Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 gồm 7 chương, 55 điều, trong đó nêu rõ: Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cơ, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.
P.V