Chiều ngày 8/11, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại huyện đảo Lý Sơn và huyện Đức Phổ, gồm nhiều lực lượng tại chỗ như Quân sự, Biên phòng, Công an, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đội xung kích địa phương,…để trực tiếp chỉ huy, tổ chức triển khai ứng phó, khắc phục bão, lũ.
Tại cuộc họp triển khai ứng phó với cơn bão số 6, ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định, cơn bão số 6 được dự báo rất phức tạp, gây gió bão và mưa, lũ ảnh hưởng diện rộng trên biển và đất liền; do vậy yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan lơ là. Cơ quan, địa phương nào để xảy ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân do chủ quan thì Thủ trưởng, Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải chịu trách trước UBND tỉnh.
|
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch ứng phó bão số 6. Ảnh: Tổng cục phòng chống thiên tai |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo tất cả các cơ quan, đơn vị phải cử lực lượng thường trực để xử lý các tình huống có thể xảy ra; trong những ngày bão, lũ yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Tại tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa thông báo cấm không cho các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ 7 giờ ngày 9/11/2019.
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sửa chữa, đóng tàu và các hoạt động vận tải biển khác triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Kế hoạch đã được xây dựng; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trên biển nghiêm túc thực hiện khi có thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, neo đậu của các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu.
Tại tỉnh Bình Định, Lãnh đạo tỉnh cũng thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 6, trong đó đặc biệt ưu tiên công tác di dời dân vùng trũng thấp, sạt lở đến nơi an toàn. Hiện tại Bình Định có 56 tàu hàng đã được bố trí, neo đậu an toàn tại cảng Quy Nhơn. Trước đó, hơn 20 tàu hàng đã được yêu cầu đi khỏi vịnh Quy Nhơn để đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng neo đậu chen chúc dẫn đến va đập.
|
|
Khánh Hòa yêu cầu các hộ nuôi thủy sản phải vào bờ khi có bão |
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra các hồ đập, các công trình xung yếu và khẩn trương gia cố những điểm bị hư hỏng. Bao cát do UBND tỉnh cấp phải nhanh chóng cấp phát cho dân và hỗ trợ giúp người dân chằng chống nhà cửa. UBND TP Quy Nhơn huy động lực lượng gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và tổ chức di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này đến nơi an toàn.
Các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi đã quyết định cho học sinh nghỉ học trong những ngày dự báo bão số 6 sẽ đổ bộ. Tỉnh Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học vào hai ngày 10 và 11/11. Tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cho học sinh nghỉ học một ngày vào ngày 11/11.
Cũng sáng ngày 8/11, tại Hà Nội Ban Chỉ đạo TW về PCTT tổ chức họp triển khai công tác ứng phó với bão số 6 với các Bộ, ngành và họp trực tuyến với 7 tỉnh ven từ Đà Nẵng - Bình Thuận. Chủ trì cuộc họp Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Trịnh Đình Dũng.
Tại cuộc họp ông Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, cử 2 đoàn công tác xuống địa phương để chỉ đạo, phối hợp phòng chống bão số 6 theo phương châm 4 tại chỗ.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phát đi công điện về việc ứng phó với bão số 6. Công điện yêu cầu các địa phương ven biển kiểm soát chặt chẽ việc hoạt động và ra khơi của tàu thuyền, hướng dẫn cho tàu thuyền tránh trú bão an toàn; rà soát triển khai các phương án ứng cứu với bão lũ, di dời người dân khi cần thiết để tránh thiệt hại và người và tài sản; rà soát đảm bảo na toàn cho các hồ đập; Bộ Ngoại giao theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, chủ động liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ để hỗ trợ phương tiện, tàu thuyền của nước ta tránh trú bão an toàn.
|
|
Phú Yên cấm biển từ 7h ngày 9/11 để ứng phó với bão số 6. Ảnh: Trang thông tin điện tử tỉnh Phú Yên |
Theo Trung tâm Khí tượng Thùy văn Quốc gia, bão số 6 đang tiến về phía đất liền các tỉnh Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15. Bão có thể đổ bộ Quảng Ngãi - Khánh Hòa trong đêm mai (10/11). Sáng 9/11, tâm bão số 6 - Nakri cách đảo Song Tử Tây trên 160 km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 11-12, giật cấp 15.
Từ đêm nay (9/11) đến ngày 12/11, các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa lớn. Tổng lượng mưa phổ biến trong cả đợt lên đến 200-400 mm. Mưa tập trung ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa.
Mưa lớn trong thời gian dài sẽ kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông và khu đô thị của các tỉnh thành nằm trong vùng ảnh hưởng do bão. Riêng Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ ngập lụt sâu, diện rộng.