Sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng

Với đường bờ biển dài 128 km, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng nghiêm trọng, xâm thực sâu vào trong đất liền, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng ngàn hộ dân sống ven biển.

Tại thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, trước đây muốn ra bờ biển phải đi bộ vài chục mét, xuyên qua những cánh rừng thông phòng hộ chắn cát mới tới nơi. Nay ngồi ở trong nhà, người dân có thể nghe rõ tiếng sóng biển xô bờ và mỗi khi mùa mưa bão đến phải chuẩn bị tâm thế sơ tán đến nơi an toàn.

leftcenterrightdel
Tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng nghiêm trọng, xâm thực sâu vào trong đất liền. Ảnh: Cao Tiến, baodansinh.vn.

Theo lãnh đạo UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tình trạng sạt lở bờ biển ở địa phương diễn ra từ trước năm 2010, biển xâm thực sâu vào bờ khoảng từ 5-7m/năm tùy thuộc cường độ của các đợt áp thấp, mưa bão. Mùa mưa bão lịch sử năm 2020 biển xâm thực mạnh nhất, có vị trí sóng biển cuốn trôi cả một vạt rừng phi lao phòng hộ, tiến sâu đất liền khoảng 30m.

Tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương và đã có 50 hộ phải di dời nhà đến nơi ở mới. Từ năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng một số đoạn kè cứng ở một vài vị trí sạt lở nghiêm trọng ở thôn An Dương 1, 2, đến nay khu vực bờ biển tại đây bước đầu ổn định, vào mùa hè có cát bồi lắng tạo bãi. Trước thực trạng xâm thực bờ biển đoạn qua thôn An Dương 3, năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng mới, gia cố đoạn kè cứng với chiều dài hơn 920m, độ cao từ chân kè lên tới mặt đường khoảng 35m. Nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực và máy móc làm việc tại công trường để sớm hoàn thành đoạn kè này vào cuối tháng 12/2021.

Còn theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương hiện có hơn 12,4km bờ biển bị sạt lở nặng, tập trung ở những khu vực như các xã Phong Hải, Phong Hòa (huyện Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), Hải Dương (thành phố Huế), Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), Vinh Mỹ, Giang Hải (huyện Phú Lộc).

leftcenterrightdel
Đoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai kiểm tra tình trạng sạt lở tại bờ biển Thừa Thiên Huế. Ảnh: Cao Tiến, baodansinh.vn.

Vào mùa mưa bão những năm gần đây, tốc độ xói lở trung bình ở bờ biển này từ 3-5 m, có nơi từ 5-7m. Đặc biệt, đoạn bờ biển qua xã Giang Hải, huyện Phú Lộc trong 10 năm trở lại đây bờ biển đã bị xói sâu vào khoảng 100-200m. Tình trạng xâm thực bờ biển đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống gần bờ biển, uy hiếp đến những dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng tới hệ thống giao thông, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của các xã, thị trấn ven biển, nhiều đoạn có nguy cơ mở cửa biển mới…

Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ biển

Mới đây, lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có buổi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên Huế. Sau buổi kiểm tra thực tế, lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai ngay các biện pháp xử lý tiên tiến, hiệu quả, khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Trần Quang Hoài cho biết, việc triển khai ngay các giải pháp xử lý sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên Huế là rất cần thiết. Lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai giao Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành rà soát, báo cáo các Bộ, ngành các điểm sạt lở nghiêm trọng, xung yếu để có đề xuất phương án xử lý khẩn cấp trong thời gian tới; trong đó chú trọng tại điểm sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Giang Hải…

Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình sạt lở, nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiên tiến, hiệu quả, khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở.

leftcenterrightdel
 Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai - Trần Quang Hoài phát biểu khai mạc Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai năm 2021.

Còn tại Hội nghị công tác phòng chống thiên tai năm 2021 được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 26/11, kết nối trực tuyến đến các huyện, xã trọng điểm về phòng, chống thiên tai từ Nghệ An đến Phú Yên mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm 249 người chết, mất tích. Hơn 1,5 ngàn ngôi nhà bị sập, gần 240 ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, hơn 473 ngàn lượt nhà bị ngập. Nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36 ngàn tỉ đồng.

X.Nha