Trận lũ lịch sử vào tối ngày 14, rạng sáng ngày 15/10/2022 đã gây ra thiệt hại cho TP Đà Nẵng lên đến 1.500 tỉ đồng. Khu vực huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) chịu thiệt hại lớn nhất với khoảng 828 tỉ đồng. Trong đó riêng Liên Chiểu gần 600 tỉ đồng, các phường ngập nặng nhất là Hoà Khánh Nam, Hoà Khánh Bắc, Hoà Minh (quận Liên Chiểu) nhiều khu vực nước lũ dâng vào nhà dân từ 1,5 - 2m. Trận lũ đã cướp đi sinh mạng của 4 người và 1 người bị thương.

Ngay sau trận lũ, chính quyền đã hỗ trợ 10 ngôi nhà của người dân bị sập và tốc mái trên địa bàn quận Liên Chiểu, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 2.454 hộ khó khăn, hỗ trợ các trường hợp người tử vong và bị thương với tổng kinh phí 269 triệu đồng, huy động nhiều lực lượng như thanh niên, dân quân, bộ đội dọn dẹp vệ sinh đường phố, chợ, trường học để đảm bảo hoạt động liên tục, phục vụ công tác an sinh xã hội, đặc biệt là trong dịp Tết.

leftcenterrightdel
 Xóm nhỏ trong hẻm Đà Sơn nơi từng tiêu điều, đổ nát sau cơn lũ lịch sử vào tháng 10/2022, không khí xuân ngập tràn trên từng mái nhà, cả xóm cờ hoa rực rỡ, trưng các cặp chậu hoa cúc vàng, tiếng nhạc Tết vang vang trong mỗi căn nhà. (Ảnh: HS)

Trở lại xóm nhỏ trong hẻm Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), nơi từng tiêu điều, đổ nát sau cơn lũ lịch sử vào tháng 10/2022, không khí xuân ngập tràn trên từng mái nhà, cả xóm cờ hoa rực rỡ, trưng các cặp chậu hoa cúc vàng, tiếng nhạc Tết vang vang trong mỗi căn nhà...

Tạm quên đi những kí ức kinh hoàng ngày ấy, anh Nguyễn Thanh Sơn (trú tại tổ 45, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đã mua vôi về tự sơn quét lại căn nhà để xóa đi dấu vết bùn đất ngập đến gần mái nhà, hân hoan đón Tết với hi vọng năm mới luôn được bình an.

"Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm, cuộc sống của người dân đã bớt khó khăn hơn.  Mọi người sắm sửa lại đồ dùng trong nhà,  mua vôi quét tường cho mới, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón Tết. Tết là phải vui để nguyên một năm làm ăn được may mắn", anh Sơn cho hay.

leftcenterrightdel
 Chị Hương cùng con gái làm tháp nước để cúng trên bàn thờ ngày Tết (Ảnh: HS).

Cách nhà anh Sơn không xa, chị Huỳnh Thị Nguyên Hương (38 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú tại đường Mẹ Suốt), chị Hương cùng cô con gái thứ hai tự tay làm những tháp nước, giỏ quà Tết để đặt trên bàn thờ cũng như biếu người thân. Vẫn dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa tươm tất như người ta để đón Tết nhưng đôi mắt chị Hương vương nỗi buồn sâu thẳm bởi cơn “đại hồng thủy” hồi giữa tháng 10 vừa qua đã cướp đi sinh mệnh cô con gái 16 tuổi của chị.

Vợ chồng chị trước nay vẫn ở Đà Nẵng mưu sinh, nhưng ảnh hưởng COVID-19, ở đây ít việc, chồng chị ra Quảng Bình làm công nhân, còn chị đi theo nhận nấu ăn cho công nhân công trình. Hai vợ chồng gắng làm để có tiền lo cho 4 con ăn học.  Hôm 14/10, nghe các con gọi điện báo mưa ngập, hai vợ chồng vội lên xe từ Quảng Bình vào Đà Nẵng nhưng đang chưa vào tới nơi đã nhận tin dữ con bị nước lũ cuốn đi.

“Tôi vẫn chưa tin được mình mất con rồi, sáng 30 Tết là đúng 100 ngày cháu mất, Tết năm nay gia đình thiếu một người. Năm mới không mong muốn gì nhiều, chỉ hi vọng cả gia đình luôn mạnh khỏe, bình an.", - Nhìn di ảnh con gái mới tròn 16 tuổi, nước mắt cứ lăn dài trên gò má sạm đen vì dãi dầu mưa nắng mưu sinh của chị Hương.

leftcenterrightdel
 Chị Trần Thị Kim Trang đang chuẩn bị cúng mâm cơm cuối năm cho chồng và con (Ảnh: HS).

Chị Trần Thị Kim Trang (37 tuổi, trú tổ 45, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ lại trận lũ lịch sử khiến gia đình chị và nhiều hộ dân trong thôn bị ngập sâu. Chị Trang bỗng chốc đã mất đi tất cả, đồ đạc, tài sản và cả chồng, con chỉ trong một đêm.

Cơn mưa lạnh chiều đông, ngày giáp Tết khiến căn nhà chị vắng lặng, quạnh quẽ. Đang sửa soạn lại bàn thờ, chị Trang tâm sự, mỗi năm cứ đến 24 tháng Chạp là gia đình sẽ liên hoan tất niên, đầu năm cùng nhau đi chơi, lễ chùa, chúc Tết họ hàng. Năm nay, mâm cơm ngày cuối năm của gia đình chị là lễ cúng 100 ngày của hai cha con.

Nếu còn sống, giờ này con chị Trang sẽ là người vui mừng, hớn hở nhất, chạy lon ton khắp nhà, hỏi mẹ "đồ Tết đã mua chưa, quần áo giặt cho con chưa?" rồi mặc đồ mới chạy khoe khắp nơi. Chồng chị thì đi sắm Tết, mua cành hoa, cây quất về bày trong nhà.

"Dù Tết năm nay không có hai cha con thật sự trong nhà, nhưng rất may là vừa tròn 100 ngày, theo tâm linh tôi sẽ đón được hai cha con về ăn Tết. Cũng xem như là gia đình được sum vầy", chị Trang lén chấm nước mắt.

leftcenterrightdel
 Bà Vũ Thị Nhu nấu bánh chưng để tất cả mọi người, các bạn ở lại cùng quây quần bên nhau. (Ảnh: LT)

Cũng theo chị Trang và chị Hương, hai chị cũng rất xúc động và cảm thấy vui khi nhiều ngày qua trong không khí Tết đến, Xuân về, gia đình nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm và hàng xóm nên phần nào cũng cảm thấy được an ủi. Tết này, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng địa phương đã huy động hàng tỉ đồng để tặng quà cho người nghèo, những hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai công nhân ở lại đón Tết.

Quê ở ngay Thăng Bình, Quảng Nam nhưng Tết năm nay chị Trần Linh San (SN 1978, tạm trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn quyết định ở lại Đà Nẵng ăn Tết.

leftcenterrightdel
 Bà Như tặng bánh chưng có các bạn ở lại khu nhà trọ của mình. (Ảnh: LT)

 “Dịp Tết cổ truyền ai cũng muốn sum vầy bên gia đình nhưng vì một số lý do cá nhân nên tôi ở lại đây ăn Tết.  Tôi làm bánh thuẫn bán, 30 Tết nhiều gia đình vẫn đặt bánh của tôi nên phải cố hơn ngày thường, cố gắng làm để có thêm tiền lo cho con cái đủ đầy. Nghèo cũng nghèo rồi, khổ cũng khổ rồi, chỉ hi vọng sang năm mới trời thương cho sức khỏe, có sức lao động kiếm tiến. Ít hôm nữa, thu xếp công việc rồi tranh thủ về thăm ông bà, cha mẹ vì đi đâu, làm gì gia đình, quê hương vẫn là tất cả của mình.” – Chị Linh San chia sẻ.

Bà Vũ Thị Nhu (SN 1950, tổ trưởng tổ công nhân tự quản khu nhà trọ số 2, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu cho biết, gia đình bà có hơn 50 phòng trọ và năm nào cũng có công nhân, người lao động trong khu trọ ở lại ăn Tết. Một số người chọn ở lại vì quê xa, một số người có hoàn cảnh khó khăn, muốn ở lại làm Tết để có thêm thu nhập,...

Để những người ở lại cảm nhận được không khí Tết đầm ấm, vui vẻ hơn khi xa nhà, gia đình bà nấu nồi bánh chưng đêm 30 Tết để tất cả mọi người, các bạn ở lại cùng quây quần, làm buổi tất niên khu trọ và đi chúc Tết các phòng ở lại đầu năm mới.

“Những năm vừa rồi, ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều người lao động gặp không ít khó khăn nên Tết họ ở lại Đà Nẵng. Tôi coi như mọi người như là người thân trong gia đình, chả biết động viên gì, tập hợp mọi người nấu bánh chưng, ăn tất niên, cô cháu cùng nhau đi chùa,... Chỉ hi vọng những năm sau, tất cả mọi người có thể về quê ăn Tết với gia đình.” – Cô Nhu chia sẻ.

Bà Lữ Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Liên Chiểu cho biết, với những gia đình có người mất trong đợt lũ vừa qua, quận tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà động viên.

leftcenterrightdel
 Một số công nhân, người lao động ở lại Đà Nẵng ăn Tết. (Ảnh: LT)

Bên cạnh đó, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Liên Chiểu cũng đã vận động và nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại số quà đã lên trên 5.000 suất với giá trị gần 2 tỉ đồng. Tổ đại biểu của HĐND quận Liên Chiểu cũng đã vận động được gần 500 suất quà tặng người dân ăn Tết. Đối tượng được tặng quà là người nghèo, người khó khăn trên địa bàn quận, đặc biệt là ở những phường đông người nghèo như Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và công nhân, người lao động tự do không về quê ăn Tết.

 

 


L.T