Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng vừa đưa ra thông tin chính thức về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn thành phố, giải pháp khắc phục và các dự án có liên quan.

Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa nhưng trong tuần vừa qua, người dân địa bàn các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu liên tục có phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Theo anh Nguyễn Minh Kiên (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết, tình trạng nước từ đầu tuần tới giờ luôn ở tình trạng cả ngày không một giọt nước, chỉ có vào lúc nửa đêm. Mình đi làm về đã mệt mỏi, muốn đi tắm “giải tỏa” căng thẳng, áp lực cũng phải chờ tới nửa đêm, xong lại tích nước để mai còn có mà dùng.

leftcenterrightdel
 Từ ngày 31/10 đến ngày 7/11, cửa thu nhà máy nước cầu Đỏ luôn ở tình trạng nhiễm mặn và là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018

Cũng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Lý (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) tỏ ra bức xúc: “Mùa khô không nói làm gì, nay mùa mưa mà cũng ở tình trạng mất nước. Chúng tôi không nhận được thông báo gì, chỉ đến lúc đọc trên mạng xã hội mới biết nhiều người dân cũng đang “ca bài ca” giống mình, không biết còn phải mua nước bình về dùng đến bao giờ. Điều ước lớn nhất của tôi là có nước dùng, mong thành phố có biện pháp nào đó khắc phục tình trạng…”

Thông tin về tình trạng thiếu nước trong những ngày qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, từ ngày 31/10 đến ngày 7/11, cửa thu nhà máy nước cầu Đỏ luôn ở tình trạng nhiễm mặn, độ mặn dao động từ 372mg/l đến 4.374mg/l và là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018, do vậy trạm bơm phòng mặn An Trạch phải vận hành 24/24 giờ. 

Trước đó, Công ty cũng đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần thủy điện Dak Mi 4 và Công ty Cổ phần thủy điện A Vương về tình hình nhiễm mặn và đề nghị các thủy điện có phương án xả nước hợp lý về sông Yên để nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn, mực nước tại An Trạch ở mức trên 1,5m cho các máy bơm hoạt động được.

Tuy nhiên, hiện nay nhà máy thủy điện A Vương mức nước xấp xỉ 340m. Trong khi đó, mức nước đón lũ là 370m, nên mức nước trong hồ hấp hơn mức nước đón lũ là 30m. Do đó, thủy điện A Vương không góp phần xả nước về hạ du để đẩy mặn.

Nhà máy thủy điện Dak Mi 4 đã xả liên tục 12,6m³/s về lưu vực sông Vu Gia kể từ ngày 31/10, đến nay mực nước tại An Trạch có tăng (dao động từ 1,6 đến 2,03m) nhưng tình hình nhiễm mặn vẫn chưa có dấu hiệu giảm, Công ty Cổ phần Cấp nước vẫn đang vận hành trạm bơm An Trạch để cấp nước thô cho các nhà máy nước.

Về phía UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chỉ đạo các chủ hồ chứa ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành xả nước với chế độ phù hợp để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho thành phố Đà Nẵng. 

Đồng thời, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, trong đó yêu cầu Dawaco tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai các giải pháp.

leftcenterrightdel
 Tình trạng mất nước cuộc sống người dân bị đảo lộn, phải thường xuyên canh chừng tích trữ nước…
 

Trước mắt giải pháp đến tháng 3/2019, tập trung tiến độ thi công hoàn thành dự án Nâng cấp công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 1- 60.000m3/ngđ) và Dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10.000m3/ngđ). Đầu tư các tuyến cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả phương án bảo đảm cấp nước an toàn cho mùa hè (cấp nước bằng xe bồn, thông báo cụ thể kế hoạch cấp nước luân phiên để người dân trữ nước, thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ lưu lượng, áp lực, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị...). Trong đó, chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm; đầu tư các trạm bơm tăng áp theo quy hoạch được duyệt.

Về giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020, Sở Xây dựng cũng đề xuất thành phố xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay sau khi nâng cấp. Tiếp tục nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ giai đoạn 2 công suất 60.000m3/ngđ; đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1.

Lê Tâm