Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 928/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên, ngày 01/4/2021. Với chức năng, nhiệm vụ được giao: Tiếp nhận quản lý, chữa trị, giáo dục dạy nghề, lao động trị liệu cho học viên và lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng khi hết thời hạn chữa trị tại cơ sở. Với tinh thần vượt khó, kiên trì, những năm qua, Ban lãnh đạo cùng tập thể viên chức và người lao động Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên đã điều trị, hỗ trợ, giúp đỡ hàng nghìn đối tượng cai nghiện thành công, vững bước tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Với quan điểm "Cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh” và học viên “Đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly”. Cơ sở đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tiếp nhận và tổ chức chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho đối tượng nghiện ma túy. Giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, tổ chức lao động trị liệu, lao động sản xuất, tạo việc làm, hướng nghiệp dạy nghề cho học viên, giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.
Triển khai có hiệu quả nhiều mô hình dạy nghề gắn với lao động trị liệu đó là: Duy trì, tổ chức tốt các loại hình lao động với các nghề gấp túi giấy, làm chổi, trồng rau, gấp thiếp, xây dựng với hơn 300 học viên tham gia tại cơ sở 1 có từ 170-200 học viên. Tại khu lao động trị liệu huyện Phú Bình có hơn 30 học viên tham gia, tại khu quản lý đảo hồ Núi Cốc có hơn 40 học viên tham gia…, khu hành chính, bếp ăn hơn 30 học viên tham gia. Tổng công 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 44.000 công. Tiền công được chi trả trực tiếp cho học viên để nâng cao chất lượng bữa ăn, mua đồ dùng phục vụ ăn uống sinh hoạt, chi trả khi hết quyết định và một phần chi cho công tác quản lý tại đơn vị. Tổ chức tư vấn nghề, ATVSLĐ cho gần 200 học viên. Ngoài ra, Cơ sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy nghề năm 2024 cho học viên có nhu cầu đăng ký tham gia với các lớp điện dân dụng, thức ăn chăn nuôi, lớp trồng rau an toàn…
Hiện Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên có tổng số học viên cai nghiện đang quản lý là 540 người, trong đó tại cơ sở 1: 363 học viên, cơ sở 2 (đảo) 52 học viên, cơ sở 3 ở huyện Phú Bình 115 học viên. Khi vào cơ sở điều trị, Cơ sở đã tiến hành thăm khám, đánh giá, phân loại, từ đó có phương án điều trị (điều trị cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác…) cho từng học viên, bảo đảm đúng quy trình, quy định. Tất cả học viên sau khi được điều trị cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe đều được tham gia các hoạt động dạy nghề, truyền nghề và lao động trị liệu. Thông qua lao động trị liệu, không chỉ giúp học viên nâng cao sức khỏe, có ý thức tích cực cai nghiện, mà còn thay đổi dần nhận thức, thái độ, hành vi về vấn đề ma túy và trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng. Cơ sở còn hỗ trợ cho các ban, ngành, địa phương trong công tác cắt cơn, giải độc cho người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Ông Dương Văn Đương - Giám đốc Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong quá trình chữa bệnh, cơ sở kết hợp nhiều phương pháp điều trị tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu vào quy trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, góp phần làm giảm nhẹ các triệu chứng cai, giúp người nghiện an tâm cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.
|
|
Ông Dương Văn Đương - Giám đốc Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Tài) |
Trong thời gian tới, Cơ sở sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh các quy chế, nội quy, chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với học viên cai nghiện trong cơ sở phù hợp với thực tế và các văn bản hiện hành. Tăng cường cải cách hành chính, phối hợp với các địa phương trong công tác tiếp nhận, lập hồ sơ đối với người cai nghiện vào đơn vị đảm bảo đúng đủ, kịp thời, phối hợp với một số cơ sở dạy nghề trong tỉnh phù hợp với nhu cầu nhằm đào tạo nghề cho học viên có nguyện vọng học nghề. Tiếp tục duy trì tốt công tác lao động trị liệu với các mặt hàng đa dạng, phù hợp với sức khỏe của học viên. Đồng thời, tìm kiếm các loại hình lao động phù hợp với thực tế đơn vị, mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lao động, hỗ trợ việc làm. Xây dựng kế hoạch tư vấn cá nhân, nắm bắt tâm lý để hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn của học viên đang gặp phải, đặc biệt là trước thời gian chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Phát triển các câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt hỗ trợ cùng nhau tiến bộ. Tăng cường theo dõi, nắm bắt, hỗ trợ tâm lý kịp thời đối với các trường hợp sau cai nghiện tại gia đình, tích cực phối hợp, tư vấn gia đình trong thời gian điều trị và ngay sau khi học viên trở về hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, Cơ sở cũng kiến nghị Sở Lao động - TB&XH quan tâm, phối hợp đẩy mạnh nhanh công tác điều chuyển nhiệm vụ điều trị cấp phát thuốc Methadone sang ngành Y tế, quan tâm bổ sung thêm số nhân lực còn thiếu cho cơ sở theo định mức; Trình duyệt cấp bổ sung kinh phí dự toán cho chi phí tiền điện chiếu sáng an ninh trật tự, kinh phí xăng xe, kinh phí thêm giờ cho cán bộ và kinh phí sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị công cụ, dụng cụ cho công tác cai nghiện tại cơ sở…
Thiết nghĩ, với lòng quyết tâm cao để đẩy lùi tệ nạn xã hội về ma túy của tập thể cán bộ, Ban lãnh đạo Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian tới đơn vị sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Lãnh đạo sở Lao động thương và xã hội, Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên giao phó.