Ngày 17/4, ông Trần Ngọc Hiếu- Trưởng Ban quản lý RPHVB Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết voọc chà vá chân đen (CVCĐ) đang xuất hiện nhiều trên lâm phần do đơn vị này quản lý.

Voọc xuất hiện trên khu vực núi đá giáp cung đường ven biển. Chúng xuất hiện ở 20 điểm, mỗi điểm trên dưới 10 con. Sơ bộ tính tổng đàn khoảng 200 cá thể.

“200 cá thể là số lượng nắm sơ bộ, chúng tôi đang đề xuất cơ quan thẩm quyền tổ chức thống kê chi tiết để có biện pháp quản lý, bảo vệ”, ông Hiếu thông tin.

leftcenterrightdel
 Voọc chà vá chân đen xuất hiện trên khu vực núi đá ven biển, ở khoảng 20 điểm, thuộc lâm phần BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, Ninh Thuận. Vấn đề đặt ra hiện nay là công tác bảo vệ.

Cũng theo ông Hiếu, thực ra Voọc CVCĐ trong lâm phần có từ lâu, tuy nhiên với số lượng ít và chủ yếu sinh sống trên núi. Hiện nay voọc sinh sôi, tách đàn và bắt đầu xuống khu vực gần đường và gần rẫy của dân, nơi có nhiều loài cây chúng ưa thích và sẵn nguồn nước để kiếm thức ăn.

BQLRPHVB Thuận Nam đang phối hợp với cơ quan công an, tiến hành tuyên truyền trong nhân dân nhằm bảo vệ đàn voọc quý; đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, nắm tình hình, phát hiện các đối tượng khả nghi.

Voọc CVCĐ, tên khoa học là Pygathrix nigripes, thuộc nhóm IB (các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam), trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ.

Nguyễn Huân