Nhắc đến A Lưới, người ta nghĩ ngay đến một huyện vùng cao miền Tây xứ Huế. Đây là vùng căn cứ địa cách mạng gan góc, quật cường của cả nước với những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc và cũng là vùng đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh.
Từ cuối năm 1966 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng các phương tiện tối tân như pháo đài bay B52, máy bay chiến đấu các loại, xe tăng, pháo binh đánh phá suốt ngày đêm, trút xuống nơi này hàng triệu tấn bom đạn các loại, rải hàng chục triệu lít chất độc hoá học, thiêu huỷ hàng trăm ngàn hecta rừng nguyên sinh, huỷ hoại toàn bộ sự sống của thiên nhiên, hàng nghìn người chết, hy sinh vì bom đạn và chất độc hoá học, và hiện nay có hàng nghìn người phải chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam/dioxin.
|
|
Thị trấn A Lưới (thuathienhue.gov.vn) |
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, A Lưới hôm nay đã có những bước chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, hoạt động dịch vụ thương mại phát triển…, tuy nhiên đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo trở lại cao.
Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị văn minh, Đảng bộ, chính quyền huyện A Lưới đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch về công tác giảm nghèo bền vững, phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị đã phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn, chịu trách nhiệm về việc thoát nghèo đối vời các hộ nghèo theo từng địa chỉ cụ thể.
Hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ nhiều chính sách, chương trình. Trong 5 năm qua, đã hỗ trợ cho 1.422 hộ nghèo thực hiện mô hình chăn nuôi bò, dê, trồng rừng; hỗ trợ chuyển đổi nghề 292 hộ với kinh phí gần 2 tỉ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 184.295 lượt hộ người nghèo, người dân tộc thiểu số với kinh phí 138.692 triệu đồng; ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ở các chương trình vay tín dụng là 127 tỉ đồng, cho 3.428 hộ.
Huyện đã giải quyết hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với kinh phí 27,8 tỉ đồng; đào tạo nghề cho 1.422 học viên với kinh phí 7,11 tỉ đồng, đã tạo và tư vấn việc là cho 3.088 người, trong đó các khu chế xuất là 1.984 người, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 52 người; tập huấn truyền thông giảm nghèo tại 17 xã, số lượt tham gia trên 600 người…
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 25/1/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về trợ giúp các xã nghèo trên 25% của 2 huyện Nam Đông và A Lưới, các hộ nghèo, cận nghèo của huyện có thêm sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị. Số kinh phí hỗ trợ trong 2 năm 2017-2018 là 5,223 tỉ đồng/1.997 hộ được thụ hưởng để xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ điện thắp sáng nông thôn; đường giao thông nông thôn, nhà tiêu hợp vệ sinh, cây giống….Phong trào đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái giữa đồng bằng và miền núi, không phân biệt thành phần dân tộc, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong đời sống cũng như phát triển kinh tế, giúp các hộ nghèo giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.
Từ những nỗ lực đó, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 2.288 hộ, tương ứng giảm 20.22%, bình quân mỗi năm giảm 4,04%. Năm 2016, huyện có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,04%, nhưng đến cuối năm 2020, toàn huyện còn 2.049 hộ, chiếm tỷ lệ 14,82%. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn một số hạn chế, như: việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo ở nhiều địa phương còn lúng túng, một số chính sách chưa phát huy hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thoát nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo thuộc diện hộ bảo trợ còn cao, thiếu lao động có khả năng thoát nghèo (hộ có người ốm đau dài ngày, hộ có người hưởng bảo trợ xã hội).
Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế; một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo; thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra làm chết gia súc, gia cầm…
|
|
Mô hình trồng hoa Ly tại xã Sơn Phước (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện A Lưới đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm theo tiêu chí mới 3%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 trên 40 triệu đồng/người/năm. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chương trình trọng điểm về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.
Đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Giao nhiệm vụ cho chi bộ, đảng viên, cán bộ trực tiếp phụ trách, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án hướng vào người nghèo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu chính đáng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường để giải quyết việc làm cho người nghèo. Xã hội hóa công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt về thể chế, các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp đột xuất...
Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, tin rằng công tác giảm nghèo của huyện A Lưới trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, đem lại đổi thay cho người dân từng chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh...