Sáng ngày 27/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 27/7.

Nâng tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Việt Nam đã trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí nghèo, từ tiêu chí về lương thực nhằm đảm bảo cho người dân có ăn, có mặc của quốc gia nghèo với 58,1% hộ nghèo vào năm 1993 cho đến xóa đói giảm nghèo, áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu. Cho đến giai đoạn hiện nay là đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mà Việt Nam là 1 trong số 30 quốc gia trên thế giới và là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á áp dụng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Việt Nam đi từ chỗ ngân sách Nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể. Đây là những bước đi rất dài về thay đổi tư duy nhận thức, hành động trong công cuộc chống đói nghèo.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Giai đoạn từ năm 2021-2025, chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững; giảm bình quân từ 1-1,5% trong năm.

Bên cạnh đó là tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo nâng lên từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn; 900.000 đồng lên đến 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Những điều này dẫn đến hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao.

Vì vậy, giai đoạn từ năm 2021-2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Giai đoạn này, chúng ta phải chăm lo vừa giảm tỷ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm hơn tới giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt.

Hạn chế cao nhất sự trùng lắp giữa các chương trình

Về việc xử lý sự trùng lặp giữa các chương trình quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì nhiều lý do khác nhau như: có cả đối tượng ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các đối tượng nghèo ở nông thôn và thành thị, địa bàn còn nhiều khó khăn trong khi phạm vi chương trình Nông thôn mới có địa bàn nông thôn, các huyện xã.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự phiên thảo luận. 

Hai chương trình này trong giai đoạn 2016-2020 cho thực hiện song song, các nội dung  tương đối tách bạch. Còn chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về cơ bản có thể hiểu là tách một phần đối tượng của địa bàn của chương trình giảm nghèo hiện nay. Phạm vi tập trung cho các địa bàn thực sự đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan của Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình, đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lắp, giao thoa; đồng thời sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực để đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư...

Cảnh Vũ