“Alo, chú Thu ơi, nhà con nay hết thực phẩm rồi ạ, nhờ chú mua giúp con 1kg thịt, 2 hộp trứng, 1 bó rau muống… với ạ ”.
“Dạ chú Thu ơi, nhờ chú mua giúp con ít sữa cho con con với ạ.”…
6h sáng, điện thoại của ông Lê Văn Thu (SN 1966, Tổ trưởng Tổ dân phố 41, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã bắt đầu đổ chuông. Ngắt cuộc gọi, ông lấy cuốn sổ ra cẩn thận ghi chú, rồi nhanh chóng ra UBND phường để kịp đặt đơn hàng vừa để nhận các phần rau củ, suất quà hỗ trợ về chia cho các hộ dân…
|
|
Các thành viên trong Ban điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tổ 41 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) mang thực phẩm đến từng hộ dân. (ảnh: LT) |
Khi trở về, chiếc xe máy của ông Thu phía trước đã chất đầy rau củ, thịt, mì gói, dầu ăn, trứng gà, sữa, hạt nêm…, hai bên còn “cố” treo lủng lẳng thêm mấy túi to, túi nhỏ. “Đổ” hàng xuống trước cửa nhà rồi chiếc xe lại mất hút ngay đầu ngõ, đến trưa khi mặt trời đứng bóng, ông mới về chở thêm một xe đầy đơn hàng của các hộ gia đình.
Tổ 41 có 60 hộ, ngoài ra còn 16 hộ tạm trú và người thuê trọ. Nhu cầu người dân nhiều, người nhờ mua thịt cá, rau củ, người nhờ mua thuốc, có cả những cái tế nhị nên mỗi ngày tin nhắn zalo trên điện thoại ông Thu nhận thông báo có đơn liên tục..
|
|
Ông Lê Văn Thu đi nhận đơn hàng, đi chợ hộ giúp người dân trong tổ. (ảnh: LT) |
“Đồ chở tôi mang về bỏ đó cũng phải nhờ ban điều hành và vợ con chia theo đơn rồi phát cho các hộ, còn mình lại chạy đi lo việc khác. May mắn vợ con cũng hiểu công việc “vác tù và hàng tổng” này. Mùa dịch dù vất vả hơn một chút nhưng vui nhất là thấy bà con vẫn bình an, không ai phải thiếu thực phẩm, sẵn sàng chia sẻ với nhau bó rau, miếng bí đỏ…”, ông Thu dùng vạt áo lau mồ hôi trên trán vừa cười chia sẻ.
“Em mới ra trường, thu nhập còn bấp bênh, thời gian ở nhà chỉ tích trữ đồ ăn đủ dùng 3-4 ngày, may mắn được bác tổ trưởng quan tâm, hỏi han, hỗ trợ thực phẩm. Cứ nghe tiếng xe máy của bác tổ trưởng về đến đầu ngõ là biết sắp được cho gì đó. Lúc thì túi rau, bao gạo, lúc thì chục gói mì, chai dầu ăn…” - Nguyễn Thị Thiện (quê Gia Lai, thuê trọ ở tổ 41) cho hay.
|
|
Số rau, củ mà thành phố hỗ trợ được chia đều tất cả cho các hộ trong tổ 41, phường Mỹ An. (ảnh: LT) |
Gần hai tuần qua, ông Nguyễn Văn Hoanh (tổ trưởng tổ 50, phường Mỹ An) cùng 4 thành viên nữa của Ban điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tổ cũng luôn tay tiếp thực phẩm cho cả 70 hộ trong những ngày phong tỏa.
Các thành viên ban điều hành khu phố thực hiện 3 nhiệm vụ là phân phối hàng hỗ trợ từ thành phố, thức trực chốt và đi mua hàng thiết yếu giúp dân. Trong đó việc chiếm thời gian nhiều nhất là đi mua hàng thiết yếu cho các hộ.
Dù đã 73 tuổi ông Hoanh vẫn làm mọi việc đâu ra đấy, không nề hà bất cứ việc gì. Cũng như các tổ dân phố khác, ông Hoanh đã vận dụng công nghệ thông tin để quản lý địa bàn. Ngay khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, trang Zalo tổ dân phố được thiết lập và cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh, danh sách hỗ trợ đến xét nghiệm, tiêm vaccine, phiếu đi chợ… đều được thông báo kịp thời để bà con thông suốt. Ông còn đi gõ cửa từng nhà đưa giấy mời xét nghiệm, lúc lại hỗ trợ cán bộ y tế truy vết rồi lại trực tiếp đi mua thực phẩm giúp dân,...
|
|
Ông Lê Văn Tam- Phó Ban điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tổ 41, bên trái) phát thực phẩm hỗ trợ cho người thuê trọ, lao động phổ thông đang tạm mất việc. (ảnh: LT) |
“Nhiều hôm rau củ về trong đêm, mọi người cứ khuyên mình đi nghỉ đi, nhưng chưa hoàn thành công việc, lòng không yên, cả đêm đó lại cùng anh em thức trắng để bốc dỡ, rồi chia đều tất cả cho các hộ. Những trường hợp thuê trọ, tạm trú, lao động phổ thông đang tạm mất việc… được ưu tiên nhận phần nhiều hơn một chút.” – ông Hoanh chia sẻ.
TP Đà Nẵng bước vào thực hiện "ai ở đâu ở đó" để phòng, chống dịch COVID-19 đến nay là 15 ngày, riêng 5 phường phía Bắc quận Sơn Trà trong đó có phường Phước Mỹ đã phải thực hiện cách ly y tế từ ngày 31/7. Ngần ấy ngày, người dân không được ra khỏi cũng là từng ấy thời gian ông Nguyễn Văn Thạnh (SN 1962, Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng với các thành viên trong tổ phòng chống dịch trở thành "cánh tay" nối dài của chính quyền, đứng ra lo chuyện đôn đốc người dân đi xét nghiệm, đi tiêm chủng… đến chuyện chợ búa, cơm nước... cho gần 60 hộ trong tổ.
|
|
Người dân phấn khởi khi nhận được thực phẩm hỗ trợ từ TP (ẢNH: LT) |
Mọi chuyện nghe tưởng đơn giản nhưng cũng lắm rối rắm. 10 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Thạnh nhớ rõ được số nhân khẩu, số người ở trọ, hoàn cảnh từng người vậy nhưng khi phải lên danh sách lấy mẫu xét nghiệm vẫn phải rà soát, kiểm tra lại mấy lần trong tổ có bao nhiêu hộ, người ở trọ,... Sau đó là phân mỗi nhóm người một múi giờ khác nhau để tránh trường hợp tập trung đông người. Đến giờ đi lấy mẫu, ông lại gọi điện nhắc từng hộ đi đúng thời gian theo giấy mời…
“Mặc dù hơi mất thời gian một tí, nhưng cẩn thận thì tất cả mọi người sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, TP cũng sẽ nhanh chóng tách được F0, dịch nhanh chóng được kiểm soát.” – Ông Thạnh chia sẻ.
Suốt một tháng nay, mỗi ngày ông Thạnh đều ra đường từ sáng sớm đến lúc tối mịt, không có giấc ngủ trưa. Lúc thì người ta thấy ông đeo băng bảo vệ chốt trực, đi lấy thông tin những hộ khó khăn để hỗ trợ lúc thì quá giờ cơm trưa vẫn tranh thủ đi phát tiền hỗ trợ 40k/ngày hộ trong vùng phong tỏa, rồi kéo xe hớt hải giữa nắng nóng nhận hàng về phát cho bà con, đêm lại cặm cụi chong đèn soạn đơn để chuyển cho đơn vị cung ứng...
|
|
Chú Thạnh (áo đỏ) đi gõ cửa từng nhà từng nhà đưa giấy mời xét nghiệm, lấy thông tin của những hộ khó khăn trong tổ (ảnh: LT) |
Vất vả là thế nhưng ông vẫn vui vẻ, nhiệt tình làm hậu cần cho cả trăm hộ để họ yên tâm ở nhà. Ấy thế mà công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đôi lúc cũng có những chuyện phiền lòng, không ít lời ca thán.
“Khi người dân cần mua thực phẩm gì, nhắn ta qua zalo của tổ, tổ thống kê báo lên phường, phường đặt mua rồi chuyển về tổ, những người trong tổ phòng chống dịch sẽ mang đến từng nhà. Có những đơn cả 2, 3 chục món hàng, nhìn thôi cũng thấy loạn. Nguồn hàng lúc này đang khó khăn nên có những lúc thiếu thứ này thứ kia, nhiều người biết sự vất vả của anh em nên vui vẻ chia nhau từng bịch muối, gói đường để san sẻ cho qua mùa dịch.
Bên cạnh đó cũng có những người họ cũng tỏ ra khó chịu, trễ đơn bà con lại nhắn, phàn nàn vì chênh lệch vài lạng thịt. Đôi khi, còn bị mắng vốn vì số lượng đơn quá nhiều, bất cẩn gom thiếu của ai đó một thứ gì. Những ngày dịch, lượng công việc của các thành viên trong tổ chắc cũng bằng cả mấy tháng làm tổ trưởng cộng lại nên có nhiều lúc còn thiết sót chỉ mong bà con thông cảm", ông Thạnh nói.
|
|
Chú Thạnh tới từng hộ gia đình trao tận tay tiền hỗ trợ 40k/ngày/người cho những hộ trong tổ trong thời gian phong tỏa. (ảnh: LT) |
Đà Nẵng hiện có 2.791 tổ dân phố, phân bổ tại 6 và 113 thôn tại huyện Hòa Vang. Tương đương đó, có 2.904 tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn và khoảng 2.904 tổ phó tổ dân phố, phó thôn. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đội ngũ tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, thôn vẫn sẵn sàng hỗ trợ, gánh gồng thêm nhiều việc hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Vì cái chung của cộng đồng, xã hội,đa số các tổ trưởng tổ dân phố đã thu xếp việc riêng gia đình để làm tròn trách nhiệm của mình trong mùa dịch.