Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Trần Khôi (trú tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên Đại đội dân công xe thồ Thanh Hóa vẫn còn nhớ như in những năm tháng của tuổi trẻ, nhất là những ngày cùng đồng đội với chiếc xe đạp thồ huyền thoại đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. 

Trên bức tường đã úa màu thời gian ở phòng khách, cụ Khôi trang trọng treo bức ảnh về Đại đội xe thồ năm xưa và những đồng đội một thời. 70 năm trước, chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, khi Chính phủ Việt Nam ra lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương thực phục vụ Chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đại đội với nhiệm vụ vận chuyển lương thực lên Điện Biên.

Bằng chiếc xe đạp thô sơ, công dân Thanh Hóa đã vượt hàng trăm cây số đường rừng núi hiểm trở, giữa mưa bom bão đạn, để đưa hàng ngàn tấn lương thực - thực phẩm, vũ khí, thuốc men… lên chiến trường Điện Biên Phủ; góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu. Hẳn không một người Pháp nào lúc bấy giờ có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố lại vành, săm, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành loại phương tiện diệu kì đến thế với quân và dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Cụ Trần Khôi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên với chiếc xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cụ Trần Khôi nhớ lại: “Khi Đại đội được thành lập, gia đình nào có xe thì ủng hộ xe, có gạo thì ủng hộ gạo. Xe đạp thời ấy hiếm lắm, hầu hết là xe Xanh-tê-chiêng của Pháp và Pra-ha của Tiệp. Thế nhưng, ai có xe cũng đều tự nguyện ủng hộ. Đại đội xe thồ của chúng tôi có đồng chí Nguyễn Hổ là Đại đội trưởng; Nguyễn Văn Chung là Đại đội phó và tôi là Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ. Đại đội đi từ Đồng Tiến lên Thọ Xuân lấy gạo, rồi đi qua Vạn Mai lên Quan Hóa, Bá Thước, dọc Suối Rút đến ngã ba Cò Nòi và điểm tập kết cuối là Sơn La. Đường chủ yếu là núi cao, vực thẳm, đá tai mèo, trong khi máy bay địch ngày đêm trinh sát, đánh phá, nên khi máy bay địch trinh sát thì mình ngủ; đêm chúng thả pháo sáng thì mình khéo léo nép vào bìa rừng, vách núi để đi. Khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt, cần chi viện lượng lớn lương thực thì yêu cầu tăng tải trọng cũng được đặt ra, từ 50kg/chuyến ban đầu lên 70kg, rồi 120, 200, 250kg và đỉnh điểm có xe chở tới hơn 300kg.”

Cụ Khôi cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu của Chiến dịch, Đại đội xe thồ được chia thành 8 tiểu đội; mỗi tiểu đội lại chia thành tổ “Tam tam” (3 người một xe), hỗ trợ nhau khi lên, xuống dốc. Khi xuống dốc, phải có một đồng chí cầm lái, một người sau kéo xe lại và một người đằng trước ghì tay lái xuống, để xe không lao xuống vực. Lúc lên dốc thì người cầm lái, người đẩy xe, người đi trước, buộc dây kéo vào người, vừa ghì, vừa kéo xe lên, tránh tình trạng xe bị lật ngửa. Trong khi đi như vậy, nhiều đôi chân trần tứa máu vì phải lấy dép cao su ra làm phanh; tay thì rộp hết da và mọng nước; vai thì chai sạn bởi vết hằn của cọc thồ. Nhưng gian khổ nhất vẫn là những ngày trời đổ mưa khiến đường trơn trượt. Toàn Đại đội hành quân trong đêm tối, khi xe xuống dốc, anh em trong tổ vừa dùng lực ghì xe, vừa phải rút dép cao su chèn vào bánh xe, tăng ma sát. Gặp đá tai mèo thì săm nổ, lốp rách, nan hoa gãy...

Gian nan, vất vả là thế nhưng không ai muốn nghỉ, không ai muốn mình tụt lại phía sau. Tất cả đua nhau tăng trọng tải, chia sẻ với nhau cách đóng gạo làm sao vừa được nhiều, lại cân bằng, chắc chắn. "Trong cái khó ló cái khôn", với quyết tâm vượt mọi gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, nhiều sáng kiến, cải tiến đã ra đời và được áp dụng ngay trên cung đường tải gạo, như: Săm lốp hỏng, anh em trong tổ xé chăn, áo may ô quấn xung quanh săm và cải tiến làm hai lớp lốp để tăng sức chịu đựng. Đối với vành xe và khung xe, các thành viên trong Đại đội dùng 3 thanh tre già, chống giữa trục và vành, nhờ vậy, xe ít hư hỏng hơn, tải trọng cao hơn, tốc độ nhanh hơn. Kỷ lục có đồng chí chở được 335kg.

leftcenterrightdel
 Các em nhỏ háo hức khi được chiêm ngưỡng chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg chuyến tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để thi đua cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận, phong trào “thồ nhiều, đi nhanh” ngày càng lan rộng, cổ vũ công dân Thanh Hóa phấn đấu tăng trọng tải thồ hàng. Từ 150 - 200kg/chuyến xe tăng lên 300kg và nhiều hơn nữa, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương, như: “kiện tướng xe thồ” Cao Văn Tỵ mỗi chuyến luôn chở tới 315kg; Bùi Tín, người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba, đạt năng suất 320kg/chuyến trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là “nhà vô địch xe thồ hàng” Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến... 
Tính chung trong 3 đợt phục vụ Chiến dịch, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200.000 dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của Chiến dịch.

Và hình ảnh những đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa anh hùng đã được quân và dân miền Bắc kế tục phát huy để rồi sau này vượt Trường Sơn phục vụ chiến trường miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Chính viên cựu Đại tá không quân Pháp Jules Joy đã thú nhận: “Mặc dù nhiều tấn bom đạn đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt. Không phải chỉ viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Navarre (Na-va), mà chính là những chiếc xe nhãn hiệu Pơ-giô thồ được từ 200-300kg, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni lông. Tướng Na-va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương".

Bác Hồ trong lần về thăm Thanh Hóa năm 1957 đã khen ngợi, ghi nhận sự đóng góp của lực lượng dân công xe đạp thồ: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ, tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Đinh Huê