Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đang ngập chìm trong biển nước. Rốn lũ các địa phương hiện đang ngập sâu nhiều mét. Đường sá về các tỉnh đã thông, nhưng để vào các rốn lũ, phương tiện lúc này chỉ có thuyền, ca nô.
Những ngày qua, nhóm PV Báo Bảo vệ pháp luật đã tại các rốn lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, ghi nhận, cập nhật thực tế tình hình ngập lụt của người dân, cũng như công tác cứu hộ, cứu trợ của chính quyền, cũng như ghi nhận rất nhiều đoàn đưa hàng cứu hộ, cứu trợ vào với nhân dân vùng lũ.
|
|
Các đoàn cứu trợ tại rốn lũ Hương Thủy (Quảng Bình). |
Ghi nhận thực tế tại các rốn lũ, hiện đang có hàng vạn hộ dân nhiều ngày nay bị cô lập, thiếu ăn, thiếu uống, thiếu thuốc trị bệnh. Rất nhiều đoàn cứu trợ, cứu hộ từ khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc đã về với người dân ngập lũ. Những tấm lòng quân, dân cả nước đang hướng về Bắc Miền Trung, về đồng bào gặp thiên tai bão lũ.
Trên khắp các mạng xã hội, lời kêu gọi quyên góp ủng hộ, cứu trợ đồng bào Miền Trung đang được hưởng ứng tích cực, với rất nhiều mạnh thường quân và những tấm lòng nhân ái.
|
|
Vận chuyển hàng cứu trợ vào rốn lũ Cam Liên (Lệ Thủy). |
Vậy, người dân rốn lũ Miền Trung cần gì trong lúc này?
Câu hỏi này được PV Báo Bảo vệ pháp luật ghi nhận từ thực tế hiện trường các rốn lũ những ngày qua:
“Lúc này, người dân rốn lũ cần nhất áo phao cứu nạn, để đảm bảo an toàn giữa biển lũ. Đã có rất nhiều người dân bị lũ cuốn trôi, không có áo phao nên đã chết rất thương tâm, cùng với đó là áo ấm, đèn pin, nến, hộp quẹt cần thiết lắm”.
|
|
Cứu trợ áo phao cho bà con rốn lũ Xuân Thủy (Quảng Bình). |
“Nhiều hộ dân đói ăn, đói uống đã nhiều ngày nay. Mì tôm thì không có lửa, có nước sạch để nấu. Nên họ cần nhất là đồ ăn nhanh, ăn chống đói ngay được, cùng với đó là cá khô, nước mắm, nước sạch để ăn uống, cái này rất cấp bách”.
“Mưa lũ, dầm mình nhiều ngày trong nước lũ, người dân rốn lũ đang đối diện với dịch bệnh, ốm đau, nên thuốc men rất cần trong lúc này. Cần nhất là thuốc tây trị đau bụng, đau mắt, cảm cúm, bôi ghẻ nước…”.
|
|
Người dân rốn lũ cần nhất lúc này là đồ ăn ngay được như cơm, xôi... |
Trên đây là ý kiến chung của chính quyền, người dân tại các tâm lũ. Cụ thể tại các địa phương:
Tại Hà Tĩnh:
Hà Tĩnh hiện có nhiều vùng ngập lũ, đang cần cứu trợ như huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, huyện Lộc Hà, nhưng nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên.
|
|
Mì tôm được vận chuyển vào rốn lũ. |
“Hiện ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà đã có nhiều đoàn cứu trợ. Một số đoàn thông qua mặt trận tỉnh họ trao tiền, còn hàng hóa họ đưa xuống dưới dân. Nếu như thông qua hệ thống mặt trận thì phân chia sẽ hợp lý hơn, từ tỉnh xuống huyện, xã. Chứ tự phát như thế sẽ không cân đối được, vùng sẽ nhận được ít, vùng sẽ nhận được nhiều” - Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo phong trào MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch MTTQ huyện Cẩm Xuyên cho biết huyện đang còn 5 xã ngập: Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, tuyến đường chính 2 xã chưa vào được là Cẩm Vịnh và Cẩm Thạch, còn lại ngập cục bộ thì nhiều. Hiện nay các đoàn vào huyện Cẩm Xuyên để cứu trợ khá đông.
|
|
Lực lượng chức năng trên đường vào cứu trợ. |
Cũng theo ông Long, hiện nay mì tôm các đoàn đưa về tương đối nhiều, nhưng hiện nay cần nhất là chăn ấm, gạo, các thực phẩm có thể nấu ăn được, bởi bây giờ nước bắt đầu rút, dân bắt đầu có thể về nhà nấu ăn được.
“Tiền mặt thì sau khi nước rút, dân về nhà ổn định, mà các nhà tài trợ vào, chúng tôi sẽ giới thiệu về và bình xét, mời các đoàn đi trao trực tiếp chứ chúng tôi rất ngại tiếp nhận tiền mặt trực tiếp, bởi vì khó kiểm soát mà gặp sơ suất lại mất hay” - ông Long nói.
Tại Quảng Bình:
Quảng Bình đang có mưa nhỏ, nước ở huyện Tuyên Hóa đã rút hết, các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa nước vẫn còn ngập cao.
|
|
Vận chuyển, trao quà cứu trợ tại rốn lũ Tuyên Hóa. |
Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư huyện ủy Minh Hóa thông tin, so với hôm qua nước xuống hơn 1m, xã Tân Hóa còn ngập, các xã khác nước cũng đã xuống, chỗ sâu còn ngập khoảng 3m.
“Bà con đang cần lương thực và nước uống, mấy hôm nay nhiều đoàn cứu trợ đến đều được ban tiếp nhận của huyện bố trí xuồng của lực lượng công an, quân đội để kịp thời đến với bà con” - ông Tuấn nói.
Tại huyện Tuyên Hóa, nước cơ bản đã rút hết, mặc dù vẫn cần lương thực nhưng hiện bà con cũng rất cần cây giống, vật nuôi và đặc biệt cần trang thiết bị ở các trường học, nhất là trường mầm non để các cháu sớm trở lại trường. Hiện hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy nước đang ngập sâu, bà con cần nhất là nước uống và thực phẩm để đảm bảo sức khỏe, chờ ngày nước rút.
|
|
Công an Tuyên Hóa cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân rốn lũ. |
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh chia sẻ: “Nếu có cơm cho bà con ăn thì tốt quá, nhưng vấn đề ở chỗ, cơm không đưa vào các vùng sâu xa được và cũng không bảo quản được lâu. Chỉ có đồ khô như mì tôm, lương khô, nước sạch là bảo quản được”.
“Hiện nay tỉnh đang tập trung cao điểm ở Quảng Ninh và Lệ Thủy, vì 2 huyện này nước ngập sâu và ngâm lâu. Sau khi công tác cứu hộ của các lực lượng đảm bảo đưa người dân đến nơi an toàn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban tỉnh và các huyện đưa mì tôm, lương khô, nước sạch về cho người dân. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm đã cùng với tỉnh, với bà con chung tay khắc phục khó khăn, vượt qua cơn đại hồng thủy này” - ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ chia sẻ: “Chính quyền đang huy động lực lượng để cứu nạn, giúp dân an toàn trong lũ nhưng cũng cần lắm những sẻ chia của cộng đồng. Vấn đề bức thiết đối với người dân rốn lũ Quảng Bình lúc này là nhu cầu về lương thực, thực phẩm để vượt qua đói rét. Vì vậy, chúng tôi mong các đoàn cứu trợ trước mắt hỗ trợ người dân các nhu yếu phẩm như mì tôm, lương khô, đồ ăn nhanh, thuốc men...để người dân có thể chống đói trong khoảng 5-10 ngày tới” - ông Tình cho biết.
Tại Quảng Trị:
Mưa lũ kéo dài liên tiếp những ngày qua cũng khiến nhiều địa phương như huyện Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hoá, Cam Lộ, Vĩnh Linh ngập nặng, gây nhiều hậu quả thiệt hại nặng nề.
|
|
Một số điểm trên Quốc lộ 1A qua các tâm lũ chất cứng người, phương tiện và hàng cứu trợ. |
Ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, lũ lịch sử với nước sông dâng nhanh đã khiến hàng ngàn nhà dân trên địa bàn bị nhấn chìm, cuộc sống người dân trên địa bàn bị đảo lộn.
“Đối với người dân Hải Lăng lúc này, họ cần lắm những tấm lòng hảo tâm ứng cứu gạo, con giống hoặc hỗ trợ kinh phí để bà con ổn định sinh kế, tính hướng chống chọi với lũ lụt lâu dài” - ông Thịnh cho biết.