Theo đó, ngày vía thần tài là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, năm nay rơi vào ngày 10/2 Dương lịch. Dân gian xem đây là ngày đẹp nhất để sắm sửa lễ vật cúng thần tài, cầu mong một năm bình an, gặp nhiều tài lộc.

leftcenterrightdel
Ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm được chọn là ngày vía Thần Tài . Ảnh minh hoạ

Sự tích của ngày vía Thần Tài

Về sự tích của ngày vía Thần Tài, dân gian có lưu truyền lại câu chuyện khá thú vị. Tục truyền rằng, dưới trần gian xưa kia không có Thần Tài, bởi vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc sống ở trên trời.

Trong một lần đi chơi, Thần Tài uống rượu say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá, nằm mê mệt không biết gì. Có kẻ đi qua thấy một người ăn mặc như diễn tuồng thì lấy làm lạ, tưởng ông bị điên liền lột sạch trang phục đem bán.

Thần Tài tỉnh dậy phát hiện đã bị mất quần áo lại không nhớ mình là ai, đành phải đi lang thang xin ăn khắp nơi. May thay khi Thần Tài đến một cửa hàng bán gà, lợn quay ế ẩm để ăn xin thì chủ quán thương tình đã cho vào.

Song điều kỳ lạ là từ lúc vị khách không mời này đến, đột nhiên lượng khách vào quán ăn tấp nập hẳn ra. Chủ quán ngẫm nghĩ một hồi bèn cho rằng đó là nhờ vía tốt của người ăn mày kia. Chính vì vậy, những ngày hôm sau, chủ quán tiếp tục mời Thần Tài ghé quán ăn, quả nhiên hễ ông đến là sau đó khách khứa ùn ùn kéo tới.

Từ đó, ngày nào chủ quán thịt quay cũng mời Thần Tài đến hàng mình. Lâu dần, hàng ăn xung quanh đều vắng khách, duy chỉ có quán này lúc nào cũng đông như trẩy hội.

Một thời gian sau, thấy Thần Tài chẳng làm gì vẫn suốt ngày ăn ngon, người ngợm thì bẩn thỉu, toàn dùng tay ăn bốc trông rất bất lịch sự, chủ quán vừa tiếc của vừa sợ khách khác chê không dám đến, bèn đuổi Thần Tài đi.

Quán đối diện thấy vậy liền nắm lấy cơ hội, mời Thần Tài vào ăn, quả nhiên sau đó, khách khứa lại lũ lượt kéo sang quán này. Chẳng bao lâu, người nọ rỉ tai người kia, bảo rằng người đàn ông kỳ lạ kia chính là phúc tinh mang đến may mắn cho bất cứ hàng quán nào mời được ông. Vì thế, các chủ quán ra sức chèo kéo để lấy lòng ông.

Một hôm, có người dẫn Thần Tài đi mua quần áo mới. Trùng hợp là tại cửa hàng, ông nhìn thấy bộ triều phục trước đây của mình bị mất nên đã nhớ lại mọi chuyện bèn vội vàng mặc quần áo rồi lập tức bay về trời. Khi đó, người dân mới biết ông chính là Thần Tài.

Biết ơn thần đã mang may mắn đến cho người dân trong vùng đồng thời nuối tiếc vì không thể giữ chân thần ở lại lâu hơn, dân trong vùng bèn lập bàn thờ phụng. Họ chọn ngày thần bay về trời (được cho là mùng 10 tháng Giêng) làm ngày vía thần Tài.

Từ đó, hằng năm, cứ vào ngày này, nhà nhà lại nô nức đi sắm lễ vật cúng thần Tài để cầu xin một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, phát đạt hơn trong năm mới. Lâu dần thành tục lệ lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Ý nghĩa của ngày vía Thần Tài

Trong tín ngưỡng phương Đông, Thần Tài là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền của, tài lộc cho gia chủ. Vị thần này sẽ mang lại nhiều may mắn, giúp cho công việc làm ăn của gia chủ trong năm sẽ được tiến hành một cách thuận lợi, ít gặp trở ngại.

Vì thế, ngày vía Thần Tài được những người làm kinh doanh vô cùng coi trọng. Việc dâng lên các lễ vật trong ngày này thể hiện lòng thành kính, biết ơn của gia chủ đối với vị thần đã phù hộ cho công việc của gia đình trong một năm qua. Đồng thời, đây cũng là dịp mà gia chủ thể hiện mong ước của mình trong năm mới, cầu mong Thần Tài tiếp tục ban tài phát lộc để công việc gặt hái thêm nhiều thành công hơn năm cũ.

Ngày vía thần tài mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, năm nay rơi vào ngày Thứ năm, mùng 10/2 Dương lịch. Dân gian xem đây là ngày đẹp nhất để sắm sửa lễ vật cúng thần tài, cầu mong một năm bình an, gặp nhiều tài lộc.

Bên cạnh cúng các món ăn như heo quay, vịt quay, cá lóc nướng trong ngày này để mong rước thần tài về nhà, nhiều người trẻ đi mua vàng với niềm tin rằng vàng đại diện cho may mắn, phước lộc, phú quý.

Ngọc Anh