|
|
Do ảnh hưởng của bão số 5 (Côn Sơn) trong ngày 12/9, trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục mưa to và rất to, khiến nhiều khu vực thấp trũng xảy ra ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường ngập nước khiến giao thông đi lại khó khăn. (ảnh: T.U) |
|
|
Đoạn đường Hải Hồ - Lý Tư Trọng (quận Hải Châu) bị nước ngập sâu do mưa lớn. (TB)
|
|
|
Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua khiến khu dân cư tổ 26, 27 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) bị ngập nặng. (ảnh: LT) |
|
|
Một số hộ dân cho hay trong đêm 11/9, họ phải thức trắng đêm để tát nước vào thời điểm dứt mưa. Đến sáng 12/9, mưa lớn trở lại khiến nước mấp mé lại tiếp tục tràn vào nhà.(ảnh: LT) |
|
|
Theo người dân, do khu vực này thuộc diện quy hoạch giải tỏa nên nhiều năm nay họ không thể sửa chữa nhà cửa. Tuy nhiên, dự án này bị "treo" nhiều năm khiến họ phải sống khổ sở vì cứ mưa to là bị nước tràn vào nhà.(ảnh: LT) |
|
|
Ông Võ Văn Trinh ( tổ 27) cho biết khu vực Khe Cạn thường xuyên đối mặt với cảnh mưa ngập đã hơn chục năm nay. "Cứ mưa xuống là nước ngập, mưa nhỏ thì ngập đường, nước vào sân còn mưa to thì nước ngập vào nhà, có nhà dâng lên hơn 1m, phải di chuyển đi chỗ khác" - ông Trinh cho hay.(ảnh: LT) |
|
|
Nhà của chị Nguyễn Thị Thu Hương ở tổ 27 bị ngập nước, có thời điểm nước lên đến đầu gối. Gia đình chị có 2 cháu nhỏ 4 tuổi và 6 tuổi. Bé lớn đang học online nhưng những ngày này thì không thể học được.(ảnh: LT) |
|
|
Nước ngập tràn vào nhà, chị Hương và chồng phải nhờ người dân ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang đến đón 2 bé về ở nhà ngoại.(ảnh: LT) |
|
|
Bà Dương Thị Xanh (SN 1968, trú tổ 26) cho biết nhà bà bị ngập sâu hơn 1m trong ngày 11/9. Đến ngày 12/9 thì nước rút bớt còn khoảng nửa mét. Bà ở nhà cùng với 2 cháu nhỏ nên trong đêm cả 3 bà cháu phải lên gác gỗ để ngủ. Đồ đạc có giá trị trong nhà được hàng xóm phụ kê lên cao để đỡ hư hỏng. "Sáng nay, tôi phải cho mấy đứa nhỏ lên nhà nội của nó để trú đỡ, mẹ cháu thì đi làm "3 tại chỗ" ở công ty dệt may gần đây" - bà Xanh nói.(ảnh: LT) |
|
|
Nước ngập vào nhà, sinh hoạt nhiều hộ dân bị đảo lộn. (ảnh: LT) |
Tại Quảng Ngãi và Quảng Nam do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn đã khiến nhiều nơi bị ngập.Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có một nhà bị tốc mái, ngập cục bộ hơn 320 nhà tập trung ở xã Bình Đông (123 nhà), Bình Thuận (42 nhà), Tân Phú (65 nhà), Bình Thanh (50 nhà), Bình Hòa (40 nhà). Huyện đã di dời hơn 150 hộ dân ra vùng an toàn.
Theo rà soát của chính quyền các xã, thị trấn thuộc huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) thời điểm trên địa bàn xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5, có 45 người dân đi rừng vẫn mắc kẹt trong đó. Qua liên lạc, có 8/45 trường hợp đã kết nối được thông tin và xác nhận trong tình trạng an toàn khi ở trong rừng. Hiện còn 37 trường hợp đi rừng nhiều ngày chưa liên lạc được với gia đình, cơ quan chức năng.
Tiếp nhận thông tin, ngành chức năng huyện Nam Đông phối hợp cùng chính quyền địa phương sở tại đang tìm mọi cách liên lạc với những người này và có giải pháp để họ sớm trở về nhà an toàn.
Theo thông tin từ UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, mưa lớn đã khiến thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm bị cô lập tạm thời, có đến 40 hộ với 200 khẩu, do mưa to nên người dân không để qua được suối.
Ngoài ra, mưa bão đã khiến 4 điểm trên đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã Sơn Thuỷ, huyện A Lưới bị nước, cát sạn trôi ra đường, hiện lực lượng chức năng đã triển khai nạo vét khơi thông tuyến đường.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, từ nay đến ngày 13/9, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm, có nơi trên 250 mm.
Từ đêm 12/9 đến ngày 14/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 – 150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2 – 4 m, biển động.