Yên tâm bám biển

Sau 5 năm kể từ khi chính thức ra đời, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã góp phần định hướng, nâng cao chất lượng hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá, liên kết chặt chẽ giữa các nghiệp đoàn nghề cá trong địa phương và trên cả nước. Từ đó đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cùng với nghiệp đoàn nghề cá các địa phương luôn đồng hành cùng ngư dân, giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Còn nhớ phát biểu trong buổi lễ ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam vào ngày 24/4/2014, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lúc đó đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam: “Từ nay, ngư dân cả nước có tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đại diện cho họ, luôn đứng bên cạnh họ, phối hợp với các Liên đoàn lao động các địa phương đồng hành cùng ngư dân, giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển, hỗ trợ ngư dân tổ chức lại sản xuất; giải quyết tốt quan hệ, hài hòa lợi ích giữa chủ tàu và người lao động, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển”. 

leftcenterrightdel
Mỗi ngư dân vươn khơi bám biển là mỗi người lính góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. 

Đúng như kỳ vọng ban đầu, sau 5 năm thành lập, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân cả nước. Đối với các nghiệp đoàn nghề cá địa phương, công tác tương trợ, giúp đỡ nhau trên biển được các thành viên trong nghiệp đoàn quan tâm và thực hiện tốt nên khi tham gia đánh bắt trên biển, bà con yên tâm hơn. Đời sống của ngư dân cơ bản ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, việc ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo vì thế ngày càng được củng cố.

Đối với ngư dân các tỉnh miền Trung, từ bao đời nay mẹ biển vẫn luôn bên họ, cho họ kế sinh nhai. Biển Đông, nơi ngư dân miền Trung luôn coi là ngôi nhà thứ hai của họ, mỗi lần dong thuyền ra khơi là mỗi lần họ đặt niềm tin và hy vọng. Hy vọng “trời yên, biển lặng” cho những mẻ cá, mẻ tôm để nuôi sống gia đình, con cái được cắp sách tới trường. Biển miền Trung chan hòa nhưng cũng đầy bất trắc, bão tố, bởi vậy, muốn đánh bắt thủy hải sản chuyên nghiệp trên biển buộc ngư dân phải xích lại gần nhau. Sự ra đời của các nghiệp đoàn nghề cá đã giúp hàng vạn ngư dân xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ nhau để hạn chế được nhiều rủi ro giữa mênh mông biển cả.

Ngư dân Đỗ Văn Tiến thuộc Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn (Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào năm 2011) hồ hởi chia sẻ: “Từ khi nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn được thành lập, tôi và nhiều ngư dân khác đã viết đơn xin tham gia. Từ khi vào nghiệp đoàn, mỗi khi đi đánh bắt thủy sản, tôi cảm thấy an toàn hơn, tài sản của mình được bảo vệ. Vào nghiệp đoàn, anh em cũng có sự đoàn kết, gắn bó với nhau hơn khi đánh bắt trên biển, liên lạc với nhau thường xuyên hơn để cùng đánh bắt khi gặp luồng cá hay cứu trợ nhau khi gặp hoạn nạn”.

“Tàu là nhà, biển là quê hương”

Có mặt tại cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) một buổi sáng đầu năm 2019, khi mặt trời còn chưa ló rạng, những người lao động trên con tàu do ông Trần Văn Thanh làm chủ tàu đang hối hả đưa lên tàu những vật dụng cần thiết cho một chuyến đi đánh bắt dài ngày. Như mọi năm, đối với những bạn tàu cũng như chủ tàu Trần Văn Thanh, đây là chuyến vươn khơi đặc biệt bởi “kéo dài đến 2 năm”. “Chuyến này, chúng em dự kiến mồng 4 Tết mới về bờ”, anh Nguyễn Văn Thái, một bạn tàu trên tàu của ông Trần Văn Thanh cho biết.

leftcenterrightdel
Mỗi con tàu là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Đối với ngư dân miền Trung, suốt dọc chiều dài khoảng 1.900km bờ biển của 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, việc vươn khơi bám biển đối với họ không chỉ là cuộc sống, là niềm tự hào được làm chủ vùng biển quê hương, nối nghề truyền thống ông cha để lại để nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế của đất nước mà đó còn là công việc thiêng liêng nhằm bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi vậy, khi trời yên biển lặng hay dẫu có sóng to, gió lớn họ cũng chẳng quản; mà coi việc vươn đến tận cùng hải phận Tổ quốc để khai thác hải sản, thực hiện quyền làm chủ biển, đảo là khát vọng, hạnh phúc của mình. Với ngư dân, phần lớn thời gian của họ là làm ăn trên biển, thì ra khơi mới thực sự là “về quê”, tàu là nhà, biển là quê hương; ra khơi không chỉ là mưu sinh, mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của ngư dân trong việc bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển và vươn khơi đánh bắt ở những ngư trường xa bờ như: ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Như tại Đà Nẵng, chính quyền địa phương và các ban ngành đã tích cực triển khai Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đã đóng mới 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) với tổng vốn vay 116,5 tỷ đồng. Đến nay, các tàu đã đi vào hoạt động sản xuất, trong đó có 4 tàu khai thác và 3 tàu hậu cần. Ngoài ra, còn có 2 tàu được vay vốn nâng cấp, hàng nghìn lượt tàu mua bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu. 

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai có hiệu quả và kịp thời các chính sách của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định 118/QĐ-TTg về khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển, Quyết định 48/QĐ-TTg hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa.

Ngoài chính sách của Chính phủ, năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 47/QĐ-UBND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu hậu cần từ 400CV (mã lực) trở lên. Đến nay, toàn thành phố đã đóng mới 120 tàu và đang đóng mới 17 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ trên 94,5 tỷ đồng. 

leftcenterrightdel
Ra khơi mới thực sự là “về quê”. Ảnh: PV 

Không riêng gì tại Đà Nẵng mà ở nhiều tỉnh, thành của khu vực miền Trung, chính quyền, các ban ngành cũng luôn quan tâm, hỗ trợ tối đa để ngư dân có thể yên tâm vươn khơi ở những ngư trường xa bờ. Những chính sách như: hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, tàu lớn vươn khơi hay việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá địa phương đã tạo điều kiện cho ngư dân miền Trung yên tâm hơn trong việc khai thác thủy hải sản ở những ngư trường xa bờ.

Ngư dân Hoàng Văn Tuyến (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bộc bạch: “Từ trước đến nay, mặc dù có sự bất trắc ở các ngư trường khiến ngư dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt, đã có những chiếc tàu của ngư dân bị đâm chìm hay hư hại ngoài các ngư trường xa bờ, nhưng điều đó không làm ngư dân chúng tôi sợ hãi mà bỏ ngư trường. Chúng tôi vẫn quyết tâm đánh bắt, bởi đó là biển của mình, là ngư trường truyền thống của mình. Bây giờ hay sau này, chúng tôi vẫn khuyến khích con, cháu mình tiếp tục ra khơi đánh bắt để góp phần bảo vệ vùng biển, đảo mà ông cha ta từ ngàn xưa để lại”.

Những lời ruột gan của ngư dân Hoàng Văn Tuyến cũng là lời khẳng định đanh thép của những ngư dân rằng mỗi chuyến vươn khơi, với họ không chỉ để kiếm kế sinh nhai mà mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi con tàu là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.                          

Xuân Nha