Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, số dân DCTD trên địa bàn tỉnh hiện lên đến 2.195 hộ/7.183 khẩu, trong đó nhiều nhất tại huyện Di Linh với 1.552 hộ/4.656 khẩu. 

Phần lớn hộ dân DCTD sinh sống trong các vùng rừng, hoặc xen ghép tại các thôn, bản trên địa bàn các huyện. Một bộ phận đáng kể tìm đến những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh để lập nghiệp.

Ngoài những phức tạp trong công tác quản lý hành chính, vấn nạn DCTD phát sinh nhiều hệ lụy, như tranh chấp đất đai, phá rừng làm rẫy, săn bẫy thú rừng,.. làm tổn hại môi trường sinh thái.

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 162,18 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Một tỷ lệ diện tích đất lấn chiếm đã được giải tỏa, tuy nhiên có trên 152 ha đã bị tái lấn chiếm.

Mặt khác, dân DCTD cũng làm tăng dân số cơ học tại vùng nhập cư khiến cho chiến lược dân số bị đảo lộn cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động.

leftcenterrightdel
 Vấn nạn di cư tự do phát sinh nhiều hệ lụy trong đó có nạn phá rừng làm rẫy.

Việc di dân tự do đến sống rải rác ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa đã gây khó khăn cho địa phương trong việc giải quyết ổn định đời sống cho người dân.

Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân DCTD thường gặp khó khăn vì thiếu “điện, đường, trường, trạm”, trẻ em dễ bị thất học, ốm đau khó tiếp cận được với dịch vụ y tế hiện đại.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá bán thấp không mang lại thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, dân DCTD đến Lâm Đồng còn tác động đến văn hóa - xã hội và an ninh trật tự địa phương. Nhiều nhóm đồng bào dân tộc khi di cư đến Lâm Đồng đã mang theo một số hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, gồm tảo hôn, sinh đẻ nhiều con, mê tín dị đoan,..

Khánh Hà