"Khúc ruột miền Trung" vốn là nơi thời tiết khắc nghiệt nhất của cả nước bởi mùa khô phải hứng chịu gió Lào thổi rát, mùa mưa thì bão lũ dồn dập. Năm 2020, miền Trung phải hứng chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ thời tiết cực đoan.

Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn. Hàng chục người chết, hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ, sạt lở đất.

leftcenterrightdel
Người dân miền Trung hứng chịu một năm bão lũ dồn dập 

Trong gần 2 tháng, các tỉnh miền Trung đã phải gánh chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề. Chỉ trong đầu tháng 10, hơn 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh phải chịu cảnh ngập lụt. Trong đó, Quảng Bình bị ngập gần như toàn tỉnh. Trận lũ lịch sử này đã làm 148 người chết và mất tích tại các tỉnh miền Trung.

Những thiệt hại về vật chất là rất lớn, nhiều người dân các tỉnh miền Trung mất nhà cửa, mất hết của cải. Lúc này những hình ảnh thảm khốc của trận lũ lụt được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là hình ảnh những người dân đói rét, ngồi co ro trên những mái nhà nhìn xung quanh là nước ngập mênh mông.

Mưa quá dữ dội, lũ lên quá nhanh khiến những người miền Trung vốn đã quen với cảnh bão lũ cũng không kịp trở tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày trung tuần tháng 10, tại các tỉnh miền Trung mẹ thiên nhiên đã khiến 148 người chết và mất tích, 885 nhà bị hư hỏng, 326 nhà bị ngập sâu. 1.418 ha lúa bị ngập; 7.871 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 1 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

leftcenterrightdel
Bộ đội đu dây tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích tại xã Trà Leng huyện Nam Trà My 

Mưa lớn, bão lũ đã gây ra những vụ sạt lở đất kinh hoàng chưa từng có tại các tỉnh miền Trung. Tại Thừa Thiên Huế, hai vụ sạt lở khiến 30 người chết và mất tích, trong đó có những công nhân nghèo và những cán bộ quân đội. 17 con người là những công nhân nghèo, là những con em miền Trung nghèo đói phải xa quê vào vùng rừng sâu nước thẳm của thủy điện Rào Trăng (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) làm thuê làm mướn kiếm đồng tiền gửi nuôi mẹ già, nuôi con nhỏ gặp nạn trong một trận lở núi. Đến nay, bằng hết tất cả những nỗ lực, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy thi thể của 6 người, 11 người còn lại đang nằm đâu đó dưới lòng đất.

leftcenterrightdel
Vật dụng được tìm thấy nơi 13 cán bộ chiến sĩ gặp nạn tại Thừa Thiên Huế 

Đau đớn hơn, lúc này 20 cán bộ chiến sĩ trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân Khu 4 vượt đường rừng, lội suối trong đêm mưa lạnh để vào tìm kiếm 17 công nhân tại Rào Trăng cũng bị nạn. Một trận lở đất đã ập xuống nơi nơi Thiếu tướng Man và 20 con người quả cảm vượt đêm tối đi cứu người đang nghỉ chân. 13 con người có lãnh đạo huyện Phong Điền, 1 nhà báo và 10 cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man bị đất vùi lấp, họ đã hi sinh vì nghĩa đồng bào.

Chưa hết bàng hoàng với 2 trận sạt lở đất ở Thừa Thiên Huế thì tại Quảng Trị lại thêm một tin dữ khác. 1h sáng ngày 18/10, ngọn núi sau nhà tập thể Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đóng tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị sạt lở nghiêm trọng, đất đá, bùn ào xuống vùi lấp căn nhà, nơi có 27 chiến sĩ đang ngủ. Chỉ có 5 chiến sĩ may mắn thoát nạn, còn lại 22 chiến sĩ đã bị vùi lấp trong đống đổ nát.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My Quảng Nam 

32 sinh mạng trong 3 vụ sạt lở đất tại Huế và Quảng Trị tưởng chừng như đã tột cùng của tang thương nhưng rồi vẫn chưa dừng lại ở đó. Tin dữ lại tiếp tục khiến lòng người quặn thắt.

Ngày 28/10, khi cơn bão số 9 vừa đi qua, ở Quảng Nam nhận được tin dữ, nhiều điểm sạt lở núi đã vùi lấp hàng chục người dân. Xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, một vụ sạt lở núi vùi lấp và xóa sổ một thôn khiến nhất 55 người chết và mất tích. Cũng trong huyện này, ở xã Trà Vân cũng xảy ra một vụ sạt lở khiến ít nhất 8 người chết. Chưa dừng lại ở đó, thêm một vụ sạt lở khác cũng xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn khiến 13 người mất tích trong đó có 2 cán bộ xã.

3 vụ sạt lở đất tại Quảng Nam đến nay đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Tại xã Trà Leng, trong 55 người mất tích, 33 trong số đó được lực lượng chức năng tìm thấy vẫn còn sống. 10 nạn nhân được đưa lên từ đống đổ nát đã không thể mở mắt một lần nữa để chào vĩnh biệt người thân. 12 người còn lại đến nay vẫn nằm đâu đó dưới suối hay dưới lòng hồ thủy điện. Tại vụ sạt lở xã Trà Vân, 8 mất tích đều được tìm thấy thi thể khi lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm trong nhiều ngày.

leftcenterrightdel
 Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật tại hiện trường tại vụ sạt lở xã Trà Leng huyện Nam Trà My, Quảng Nam

13 người mất tích trong đó có 2 cán bộ tại vụ đất sạt lở xã Phước Lộc đến nay 9 thi thể đã được tìm thấy, còn 4 người mất tích chưa được tìm thấy. Đớn đau thay, trong số 9 thi thể được tìm thấy trong vụ sạt lở đất này có 6 trẻ em từ 4 đến 9 tuổi.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787 km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 4,1 triệu m3. Ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai với 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất…

Xuân Nha