Huyền thoại anh hùng
Con đường 20 Quyết Thắng ngoằn ngoèo luồn sâu dưới những tán rừng của khu bảo tồn thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng sẽ đưa ta đến Hang Tám Cô. Cách khu du lịch động Phong Nha 16km hang nằm giữa rừng Trường Sơn thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Gọi là Hang Tám Cô, nhiều người vẫn lầm tưởng và liên tưởng đến rằng 8 con người đã hi sinh trong hang đá này là tám cô gái.
Thực ra cái tên Hang Tám Cô đã có từ trước khi trận bom B52 của đế quốc Mỹ đánh sập của hang làm 8 chiến sỹ TNXP đang xây dựng đường 20 Quyết Thắng hi sinh. Trước đó, tại km16 trên con đường này, có một cái hang mà ngày ngày có một tiểu đội 8 cô gái vẫn thường chạy vào để trú ẩn những trận B52 ác liệt hay nghỉ chân chải tóc và trò chuyện với nhau sau một ngày thông đường vất vả. Từ đó anh em chiến sĩ thường gọi hang này là hang Tám Cô.
|
|
Nhà tưởng niệm Hang Tám Cô |
Cái tên đó đã đi vào lịch sử như một huyền thoại từ cái ngày định mệnh ấy. Đó là buổi chiều ngày 14/11/1972, khi phát hiện B52 rải thảm, 8 TNXP thuộc Đội 163, Ban 67 đang làm nhiệm vụ trên mặt đường (gồm 4 trai, 4 gái) chạy về hang để trú ẩn.
Một tiểu đội pháo phòng không gồm 5 chiến sĩ cơ động trận địa cũng về gần phía cửa hang để tổ chức lực lượng đánh trả. Km 16 bị quật nát, cắt đoạn, đất đá bật tung, núi rừng chao đảo. Một quả bom đánh trúng khu vực cửa hang làm 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh tại chỗ.
Một tiếng "ầm" khủng khiếp nữa lại vang lên. Bom đánh trúng vào mỏm núi phía trên làm một tảng đá nặng hàng trăm tấn rơi xuống bịt kín cửa hang - nơi có 8 TNXP đang trú ẩn. Sau loạt bom mọi người đi tìm và biết rằng tám chiến sĩ TNXP đã bị mắc kẹt trong hang.
Hay tin, ngay lập tức các lực lượng công tác chiến đấu trong khu vực đều đến để cứu nạn. Nhưng do tảng đá quá nặng nên tất cả các xe, máy kéo đều không nhúc nhích. Phương án nổ mìn không được chấp nhận vì sức ép của mìn sẽ làm những chiến sĩ trong hang chết ngay, lại làm lộ mục tiêu cho máy bay địch quay lại đánh phá. Cuối cùng đồng đội đành kéo dài sự sống trong hang bằng cách đưa sữa cháo vào hang bằng ống tuy ô luồn qua kẽ đá.
Tám ngày khắc nghiệt không biết họ đã vật lộn với cuộc sống thiếu dưỡng khí trong hang như thế nào, chỉ nghe những tiếng kêu yếu ớt “cứu chúng em với” vọng ra qua kẽ đá.
Những ngày sau đó những người lính vào Nam dừng lại ở Km16, đứng trước cửa hang, họ hối hả nghiêng bình toong dốc những giọt nước vào miệng ống tuy ô bên kẽ đá, ghé tai nghe ngóng, rồi vội vàng xốc lại ba lô lên đường theo đơn vị.
Cũng có đơn vị hành quân nghỉ chân trước cửa hang, nhiều người lính cẩn thận lấy lương khô, nghiền nát trong ăng gô, đổ nước vào rồi cẩn trọng nghiêng miệng ăng gô cho chảy qua ống tuy ô với mong muốn tiếp thêm sức cho đồng đội trong hang đá. Rồi những người lính thương tật trở ra từ chiến trường Miền Nam đã dừng lại trước hang đá, bỏ vội ba lô, lấy ra mấy viên thuốc bổ được nhận từ các trạm cứu thương, họ tỉ mẩn bỏ vào ống tuy ô với niềm hy vọng mong manh.
|
|
Bia ghi danh các liệt sỹ đặt trước cửa hang |
Đến ngày thứ chín những người túc trực ở ngoài cửa hang nghẹn ngào khi từ trong hang vọng ra tiếng gọi “bầm ơi” yếu ớt của một cô gái.
Sau đó 8 TNXP trong hang đã gửi lời chào cuộc sống ở tuổi 20. Đó là: Trần Thị Tơ 18 tuổi, Lê Thị Mai 20 tuổi, Đỗ Thị Loan 20 tuổi, Lê Thị Lương 19 tuổi và Nguyễn Văn Huệ 20 tuổi, Nguyễn Văn Phương 20 tuổi, Nguyễn Mậu Kỷ 20 tuổi, Hoàng Văn Vụ 20 tuổi. Tất cả đều quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Hang ấy bây giờ
Năm 1996, một đội công binh được giao nhiệm vụ hệ trọng là khai quật cửa hang đá nơi các anh chị đã yên nghỉ gần 25 năm. Họ đã mất 59 ngày đêm ròng rã, sử dụng tới 700 kg thuốc nổ, thận trọng tháo gỡ từng phần, dọn dẹp, khơi đất đá ngoài cửa hang để làm luôn nhiệm vụ tôn tạo khu di tích. Lần lượt hài cốt các liệt sĩ được thu nhận.
Bên các bộ hài cốt còn nhận được nhiều di vật kèm theo như những bộ đồ quần áo của các nữ chiến sĩ, đồ nữ trang, dụng cụ làm đường... Thật cảm động khi nhận được chiếc ca uống nước được gò bằng ống pháo sáng của giặc Mỹ, có dòng chữ: “Tặng em Lê Thị Lương”. Tặng phẩm ấy đã làm nhiều người xúc động, bởi trong lửa đạn chiến tranh tình yêu lứa đôi đến với nhau rất đẹp. Những anh bộ đội Cụ Hồ, TNXP vẫn tràn ngập hi vọng vàọhọ tin tưởng chiến tranh sẽ kết thúc để khi kháng chiến thắng lợi họ sẽ cưới nhau.
Mộ 8 liệt sĩ TNXP hy sinh tại km16 đường 20 Quyết Thắng được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa (quê nhà các liệt sĩ) đáp ứng với nguyện vọng của thân nhân. Điều còn chưa trọn vẹn là chỉ xác định được danh tính liệt sĩ Hoàng Văn Vụ trong hang, còn lại 7 liệt sĩ phải chấp nhận khắc tên trên tấm bia tập thể. Và, nhiều di vật đi kèm theo các bộ hài cốt hiện còn lưu lạc tại tỉnh Quảng Bình.
|
|
Nơi các anh chị đã hy sinh cho độc lập tự do của Đất nước |
Tại nơi các anh, chị đã nằm xuống bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Hang đá đã được tôn tạo, trong hang có bàn thờ, cửa hang dựng tấm bia lớn khắc tên các liệt sĩ. Một nhà bia tưởng niệm được dựng cách của hang không xa quanh năm nghi ngút khói hương.
Ngay trước của của nhà bia có một gốc cây đường kính một vòng ôm, gốc cây xoắn bện với nhau rất lạ. Cây vẫn xanh tốt qua bao mùa mưa bom bão đạn, hai gốc bện lại với nhau lúc nào không ai hay. Mọi người thường gọi gốc cây này cây “mối tìnhrTrườngớơn”. Nhà bia tưởng niệm bây giờ tấp nập hơn bởi ngoài khách du lịch đây còn là nơi mà những cán bộ, thầy giáo lên công tác ở xã Thượng Trạch thường xuyên ghé thăm.
Ngày lễ, ngày tết có nhiều đoàn với hàng trăm học sinh, sinh viên và du khách vào thăm viếng nơi đây. Ngày rằm tháng giêng người thân của các chiến sĩ đã hi sinh trong hang từ Thanh Hóa, Hà Giang vẫn vào đây thắp nén nhang nhớ về họ. Những người khách phương xa và cả những người khách nước ngoài trong đó có cả những cựu binh Mỹ khi đến Phong Nha được giới thiệu đều tìm vào hang tám cô kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh của các anh chị.