Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm ở các xã, phường còn gặp khó khăn do nhiều viên chức xã, phường chưa có kiến thức, kinh nghiệm thanh tra về an toàn thực phẩm...

Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Ngoài ra, tâm lý "làng xóm, họ hàng" cũng phần nào làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính ở một số xã, phường.

Tình trạng vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không đảm bảo từ các địa phương về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ gặp nhiều khó khăn.

Nhân lực triển khai tại các quận, huyện được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp. Một bộ phận người tiêu dùng còn thiếu kiến thức, cũng như chưa được cảnh báo đầy đủ về các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
leftcenterrightdel
Nhân viên y tế lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm tại một nhà hàng kinh doanh ăn uống ở quận Hai Bà Trưng Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN 

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung vào những biện pháp để quản lý các cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về An toàn thưc phẩm năm 2018 - 2020.

Theo đó, hệ thống được xây dựng liên ngành gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý, cảnh báo cho cộng đồng.

Theo kế hoạch, hệ thống gồm điểm cảnh báo Trung tâm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) để tiếp nhận, xử lý thông tin ở cấp thành phố từ 3 cấp gồm điểm cảnh báo cấp 1 thuộc Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các điểm cảnh báo cấp 2 tại Phòng Y tế quận, huyện, thị xã.

Điểm cảnh báo cấp 1 sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức điều tra xác minh xử lý thông tin; tổng hợp thông tin, giám sát, thanh kiểm tra an toàn thực phẩm. Còn điểm cảnh báo cấp 2 tại quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, sự cố về an toàn thực phẩm, tổ chức điều tra, xác minh và cung cấp đầy đủ thông tin trong lĩnh vực được phân công.

Điểm cảnh báo cấp 3 ở các xã, phường, thị trấn tại trạm y tế cung cấp thông tin sự cố về an toàn thực phẩm, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm thường xuyên, đột xuất, xác nhận và cung cấp đầy đủ thông tin, báo cáo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra và báo cáo về điểm cảnh báo cấp 2.

Hình thức tiếp nhận thông tin có thể là truyền tin qua điện thoại, tin nhắn, email… Cán bộ tiếp nhận cần thông báo ngay tới hệ thống cảnh báo cấp trên trong vòng 2 giờ, điều tra, xử lý, báo cáo trong vòng 24 giờ đối với sự cố khẩn cấp về an toàn thực phẩm.

Để triển khai, các đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền đến người dân về hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm tại địa phương, huy động các lực lượng chức năng xử lý khi có sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, các đơn vị thành lập đội phòng chống ngộ độc thực phẩm, đội đáp ứng nhanh xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm và đưa ra kết quả xử lý vi phạm, cảnh báo cho cộng đồng.

Theo TTXVN