Trục lợi từ đấu thầu, xã hội hóa thiết bị y tế...
Điểm lại các vụ án mà cán bộ y tế bị truy cứu trách nhiệm hình sự vừa qua, không chỉ có hành vi vi phạm về chức vụ mà còn có những vi phạm các quy định về đấu thầu, quy định về kế toán. Điển hình, mới đây, ngày 6/11/2021, VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Quân (Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và cấp dưới về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi (Phó Giám đốc), đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
|
|
Các bị can bị khởi tố trong vụ án liên quan đến Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Trước đó, chiều ngày 21/10, VKSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Nguyễn Quang Tuấn bị xác định có liên quan đến những sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội thời kỳ làm Giám đốc tại đây. Những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015. Cũng trong vụ án, hàng loạt thuộc cấp của Nguyễn Quang Tuấn cùng một loạt cán bộ, doanh nghiệp, các công ty định giá cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trong khi, những sai phạm về việc xã hội hóa trong khám chữa bệnh cũng “phát lộ”, được điều tra, làm rõ. Điển hình, tháng 9/2020, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quốc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án nâng khống giá robot điều trị. Việc này làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, tại Cơ quan điều tra, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khai nhận, để được tạo điều kiện trong công tác đấu thầu, trong quá trình tiếp xúc với các lãnh đạo tại bệnh viện, nhiều doanh nghiệp đưa phong bì tiền “đối ngoại” để mong nhận được ưu đãi. Việc đưa phong bì diễn ra thường xuyên và liên tục, rơi vào các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm như một “thông lệ” được các bên đón nhận để “tạo điều kiện” cho việc hợp tác.(?).
Tại thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thì vụ án Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) cùng một loạt cán bộ cấp sai phạm trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, gây thất thoát 5,4 tỉ đồng được phát hiện điều tra, truy tố và xét xử. Biện hộ tại phiên xét xử, các bị cáo cho rằng, những sai phạm này là do “sức ép” về thời gian bởi tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường.
Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc Công ty Luật TNHH HOK, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Nếu xét trong bối cảnh COVID-19 là một sự kiện bất khả kháng, việc chỉ định thầu cũng không thể áp dụng vội vàng mà cần xét đến các điều kiện, khả năng của nhà đầu tư, cũng như phải trải qua quy trình thẩm định trong việc xem xét hồ sơ mời thầu. Việc các bị cáo lấy lý do dịch bệnh phức tạp, hàng hóa khan hiếm hay việc chậm công bố giá trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế của Bộ Y tế thể hiện sự thờ ơ, buông lỏng quản lý và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
... đến thuốc chữa bệnh, dược liệu
VKSND tối cao vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Lương Văn Hóa, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long cùng cấp dưới về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, trong vụ án “Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan”. Theo kết quả điều tra ban đầu, Lương Văn Hóa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính về thực hiện, quyết toán hợp đồng đặt hàng, giữ lại 3.848.000 USD tiền giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Đặc biệt, mới đây, VKSND tối cao phê chuẩn khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc khởi tố ông Trương Quốc Cường liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Trước đó, thời điểm từ năm 2007-2016, với chức trách Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông Cường đã thiếu trách nhiệm, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, dẫn đến hồ sơ đăng ký 7 loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 được đăng ký nhập khẩu và đã tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá trên 151 tỉ đồng.
Sau khi các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy đối với thuốc Health 2000 đã nhập khẩu trong nước. Dẫn đến, nhiều cơ sở y tế vẫn tiến hành mua bán, đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá trên 3,7 tỉ đồng để điều trị cho người bệnh.
Có day dứt khi làm giàu trên nỗi đau của bệnh nhân?
Những năm gần đây, xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực y tế là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả, việc mua sắm thiết bị y tế hợp lý, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, việc tổ chức đấu thầu phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu, nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, từ những chủ trương xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực y tế đúng đắn, hướng tới phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, doanh nghiệp đã tìm mọi cách “bắt tay” với nhóm lãnh đạo trong bệnh viện nâng khống giá trị, nhằm trục lợi. Vì lợi nhuận, họ đã công nhiên móc túi, chiếm đoạt tiền của bệnh nhân.
|
|
Bệnh viện Thủ Đức (ảnh lớn). Bị can Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi. |
Giờ đây, những thiệt hại bằng tiền có thể được các bị can khắc phục một phần. Tuy nhiên, hậu quả xã hội, niềm tin vào y đức, tin vào dịch vụ khám, chữa bệnh kết hợp xã hội hóa đã bị ảnh hưởng lớn. Những vụ án liên quan sai phạm trên được điều tra, làm sáng tỏ đã được người dân cả nước đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá: Thời gian gần đây, xảy ra một số vụ án trong ngành Y được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, thông tin rộng rãi, được người dân đồng tình, đánh giá cao, đáp ứng những mong mỏi của nhân dân. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Tuyết cũng cho rằng, vừa qua có một số ý kiến đưa ra việc xảy ra các sai phạm trong ngành Y tế một phần do cơ chế là không đúng. Không thể đổ lỗi cho cơ chế, lỗi ở đây chính là do các cá nhân biết sai mà vẫn làm, biết công ty đó không đủ điều kiện mà vẫn cho đấu thầu, hay biết hàng hóa, sản phẩm đó không đạt chuẩn mà vẫn nhập, vẫn sử dụng để khám chữa cho bệnh nhân.
Nghề y là nghề đặc biệt, bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu kiến thức y khoa. Năng lực chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh nhằm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Nhưng, chính những người mang danh “lương y” khám bệnh, cứu người, họ cũng đã tước đi cơ hội được phẫu thuật, được khám chữa chất lượng cao, được sử dụng thuốc của nhiều bệnh nhân, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của bao người, gây hậu quả cho bao gia đình. Khi các vụ án được đưa ra xét xử, với mức án được tuyên đúng người, đúng tội, họ sẽ phải trả giá cho hành vi sai phạm của mình. Tuy nhiên, còn tòa án lương tâm, còn lời thề y đức, còn lương y của thầy thuốc, họ có thoát khỏi mặc cảm, có day dứt khi làm giàu trên nỗi đau bệnh tật của bao bệnh nhân?
Kiểm sát viên Trần Quyết Chiến, Trưởng phòng 3, VKSND TP Hà Nội: "Các bị can, bị cáo buộc phải nhận thức và tuân thủ quy định của pháp luật"
Từ những vụ án xảy ra thời gian qua liên quan đến ngành Y tế, có thể thấy, lĩnh vực y tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung luôn có những đặc thù nghề nghiệp. Tuy nhiên, dưới góc độ lãnh đạo, quản lý, tính chất của vị trí công việc, buộc các cá nhân được giao nhiệm vụ phải nắm chắc các quy định điều chỉnh của pháp luật liên quan đến toàn bộ hoạt động của đơn vị và chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể chỉ đơn thuần làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
|
|
Kiểm sát viên Trần Quyết Chiến, Trưởng phòng 3, VKSND TP Hà Nội. |
Nhận thấy, trong các vụ án liên quan đến ngành Y tế đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các quy định của Nhà nước đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ. Việc các bị can, bị cáo là lãnh đạo, cán bộ ngành Y tế có hành vi sai phạm không phải do cơ chế, chính sách hiện nay mà là do ý thức chủ quan của họ. Các bị can, bị cáo buộc phải nhận thức và tuân thủ các quy định của pháp luật, nhưng vì vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cố ý làm sai quy trình, quy định dẫn đến vi phạm, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước và người bệnh. Việc kịp thời vào cuộc để ngăn chặn các sai phạm xảy ra là một nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm các sai phạm và hạn chế thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.
|
PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Không thể đổ lỗi do cơ chế mà do lòng tham vì tiền"
Thời gian qua, nhân dân vô cùng biết ơn, trân quý trước những hình ảnh đẹp, sự vất vả, thậm chí hy sinh cả tính mạng của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng của nhân dân. Tuy nhiên, vừa qua, cũng có nhiều cán bộ ngành Y, giám đốc bệnh viện và thậm chí Thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố liên quan đến những tiêu cực, tham ô, tham nhũng. Rất đau đớn nhưng những hành vi vi phạm pháp luật cần bị trừng phạt thích đáng.
Có thể nói, đó là những con sâu, những kẻ đục khoét ngân sách, sống trên nỗi đau của người bệnh. Đó là những con người mặc áo ngành Y nhưng thoái hóa, biến chất, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tín nhiệm giao phó để trục lợi cá nhân.
Họ không thể đổ lỗi cho cơ chế, quy định pháp luật dẫn đến họ làm sai. Không có gì khó khi tra cứu thông tin hiện nay, chỉ một cú nhấp chuột có thể tra được giá thiết bị, thuốc trên toàn thế giới. Bởi vậy, anh không thể đổ lỗi cho cơ chế, lỗi quy trình, lỗi hệ thống mà lỗi ở đây là do con người, biết là sai phạm nhưng vẫn làm vì đồng tiền đã làm mờ mắt.
|
|
PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII. |
Mục đích của hoạt động đấu thầu rất tốt và đúng đắn để lựa chọn được nhà thầu, lựa chọn được loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ tốt nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí tối đa cho Nhà nước, nhưng thay vì tiết kiệm, những người này lại “phù phép”, đẩy giá lên nhiều lần, gây thiệt hại cho Nhà nước là không thể chấp nhận được. Đó là hành vi vi phạm pháp luật nên cần phải có bản án nghiêm khắc nhất đối với những người này. Như vụ nhập thuốc ung thư giả của VN-Pharma, ông Trương Quốc Cường là quản lý lại bao che, dung túng, cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu về bán cho bệnh nhân ung thư thì quá nhẫn tâm.
Tôi cho rằng, các cơ quan tố tụng đã làm rất công tâm, nghiêm minh, không có vùng cấm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian tới, các cơ quan tố tụng cần mở rộng, làm mạnh hơn nữa để đưa ra ánh sáng những người lợi dụng chính sách, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để tư lợi, lợi ích nhóm trong lĩnh vực y tế. Đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, cử tri cả nước. Việc sớm đưa vụ án, các bị cáo ra xét xử cũng rất cần thiết để những người còn đang có ý định vi phạm pháp luật nhìn vào gương đó để tự răn mình.
Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hà Tĩnh: "Pháp luật đã quy định, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm"
Liên quan đến vụ nâng khống thiết bị y tế tại tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 13 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự. Ngoài giám đốc doanh nghiệp, thẩm định viên công ty thẩm định giá bị khởi tố, có 9 bị can là cựu giám đốc, kế toán bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Tĩnh.
Nói về việc này, Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vụ án đang trong quá trình điều tra, xử lý. Khi Cơ quan điều tra phát hiện sai phạm đã vào cuộc ngay, dựa trên các quy định của pháp luật, sai đến đâu, xử lý đến đó.
“Đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm là không có vùng cấm, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quá trình điều tra thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm. Sai phạm của những cá nhân có liên quan, bị khởi tố, điều tra trong lĩnh vực y tế, đó là do vi phạm quy định pháp luật chứ không phải do lỗi cơ chế” - Đại tá Nguyễn Thanh Liêm cho biết.
|
|
Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hà Tĩnh. |
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, không có cơ chế nào dẫn đến việc làm sai, mà sai phạm xuất phát từ mỗi cá nhân thực hiện không đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm.
“Rõ ràng, có vi phạm pháp luật và có cấu thành tội phạm, không thể đổ cho sai phạm đó do cơ chế. Bởi vì Nhà nước đã có quy định pháp luật cụ thể.” - Đại tá Nguyễn Thanh Liêm nói.
Theo phân tích của Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, nghề của bác sĩ là chữa bệnh, nhưng khi bác sĩ đảm trách chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc chuyên môn khác liên quan đến quản lý, thì bác sĩ cũng phải học và nghiên cứu các quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước, để phải thực hiện đúng quy trình của pháp luật, không được làm sai, không được vi phạm.
“Đó là mua sắm của ngành Y tế vi phạm pháp luật, chứ mua sắm trong các ngành nghề khác, nếu sai phạm cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật, chứ không thể đổ cho cơ chế. Ở đây, cái quan trọng nhất là đã có quy định, có luật pháp rõ ràng và nếu làm sai, vi phạm pháp luật, với tư cách đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bác sĩ hay bất kỳ ai, cũng phải nghiên cứu luật pháp để vận dụng, thực hiện cho đúng, chứ không thể khi đã làm sai rồi, vi phạm pháp luật rồi thì quay lại đổ cho cơ chế” - Đại tá Nguyễn Thanh Liêm nêu quan điểm.
|