Qua rà soát, đánh giá việc thi hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật mới ban hành trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy cần thiết ban hành Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (Nghị định số 18/2014/NĐ-CP).

Theo đó, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào năm 2014, có nhiều điểm mới, quy định rõ mức nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản vào thời điểm ban hành, tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính, đồng thời xây dựng và phân bổ quỹ nhuận bút cho các bộ phận liên quan với khung nhuận bút chi tiết, phương pháp tính rõ ràng.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, do đó, cần thiết phải xây dựng Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, đồng thời thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy khai thác giá trị bản quyền lĩnh vực báo chí, xuất bản có sử dụng tiền ngân sách nhà nước, tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí, nhà xuất bản sáng tạo các tác phẩm có giá trị.

Một trong những quan điểm xây dựng Nghị định là chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản lấy Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật chuyên ngành làm căn cứ để xây dựng. Do đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với quy định mới về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 (Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), trong đó quy định “tiền bản quyền” (bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao) và giao Chính phủ quy định chi tiết biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Ảnh: T.G)

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 12 điều (giảm 1 chương và 4 điều so với Nghị định số 18/2014/NĐ-CP). 

Về những nội dung mới của dự thảo Nghị định, trước hết về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định về tiền bản quyền đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí (đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác), tác phẩm trong xuất bản (xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử)bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Việc xác định phạm vi điều chỉnh nhằm phù hợp với quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ về tiền bản quyền.

Về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Xác định đối tượng điều chỉnh phù hợp quy định về trả tiền bản quyền trong trường hợp sáng tạo tác phẩm và trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm; đồng thời xác định rõ nguồn tài chính để sản xuất tác phẩm từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước, khắc phục hạn chế của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP (cơ chế chi trả nhuận bút, thù lao không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào).

Về quy định về tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, theo dự thảo, cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu chi trả tiền bản quyền cho cơ quan báo chí sáng tạo tác phẩm theo đơn giá được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật.

Cơ quan báo chí chi trả tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm theo thỏa thuận hoặc quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không được vượt quá đơn giá được cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm, đấu thầu.

Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ (quyền tác giả), quản lý ngân sách nhà nước, giá, cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về nguyên tắc thực hiện chi trả tiền bản quyền đối với tác phẩm báo chí.

Cụ thể, đối với tác phẩm thuộc thể loại chưa được quy định cụ thể, căn cứ tính chất thể loại, mức độ đầu tư nội dung, kỹ thuật, cơ quan báo chí áp dụng tương ứng với thể loại đã được quy định.

Tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm báo chí đăng, phát trên các phương tiện khác được tính như tiền bản quyền tác phẩm báo chí quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Các tác phẩm báo chí được thể hiện dưới hình thức có sự đầu tư kỹ thuật, đồ họa (Longform, Infographics, Emagazine, Podcast) được trả thêm 10% tiền bản quyền nhưng không vượt quá tiền bản quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí mà cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu để sáng tạo tác phẩm nhằm mục tiêu tuyên truyền không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

P.V