Xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 9 tỉ đồng
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có báo cáo tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016, theo đó, trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí, theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những sai phạm trong hoạt động báo chí được Bộ xử lý quyết liệt, kịp thời, đúng pháp luật, góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động báo chí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Từ 2017 - 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành 65 cuộc thanh tra, 48 cuộc kiểm tra; ban hành 306 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 8 tỉ 618 triệu đồng.
Từ 2017 đến tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hồi 32 Thẻ nhà báo vì các lý do: Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can; bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên…
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ tiến hành kiểm tra trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm chủ quản đối với cơ quan báo chí. Kết quả kiểm tra 7 cơ quan chủ quản báo chí cho thấy nhiều bất cập cần chấn chỉnh như: Chưa bảo đảm điều kiện hoạt động ban đầu cho cơ quan báo chí theo đề án xin phép hoạt động báo chí; dấu hiệu buông lỏng quản lý ở một số cơ quan chủ quản, để cơ quan báo chí vi phạm trong thời gian dài; cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí không có tổ chức Đảng, hoặc có tổ chức Đảng nhưng lại không trong cùng một hệ thống (tổ chức Đảng của cơ quan chủ quản và tổ chức Đảng của cơ quan báo chí trực thuộc các đảng ủy, đảng bộ khác nhau), hạn chế trong việc thống nhất chỉ đạo, định hướng về thông tin, tổ chức bộ máy, nhất là công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.
Xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện“tư nhân hóa” báo chí
Về xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện“tư nhân hóa” báo chí, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 75/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa báo chí, Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31/7/2022 triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Kế hoạch thể hiện rõ sự quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan để từng bước chấm dứt tình trạng nêu trên; giúp các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí nhận thức đây là việc làm cần thiết phải ủng hộ, phải đồng hành và phải cùng thực hiện để mang lại sự trong sạch và uy tín cần có cho hệ thống báo chí, cho người làm báo.
|
|
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ cùng đại diện Phòng PA03, Công an thành phố làm việc với đại diện một Tạp chí vi phạm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 về việc ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Bộ tiêu chí tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng là văn bản quản lý, khuyến nghị trong hoạt động báo chí, hỗ trợ nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường báo chí lành mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại. Lần đầu tiên, các tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí được chỉ rõ, công khai. Công tác xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, lập Tổ công tác hoặc lập Đoàn thanh tra, kiểm tra (thành phần gồm: Cục Báo chí; Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an) đã tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Bộ đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép với tổng số tiền 889 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng; 13 quyết định xử phạt cơ quan báo chí đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, 2 quyết định xử phạt cá nhân đối với hành vi cử phóng viên hoặc giao quyền cho cấp dưới cử phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích
Cũng theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích.
Các tạp chí chưa thể hiện hoặc chưa thể hiện đúng thì đã thể hiện cụm từ “tạp chí” hoặc “tạp chí điện tử” trên giao diện trang chủ bảo đảm phù hợp với quy định tại Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tránh gây nhầm lẫn giữa tạp chí và báo.
Các cơ quan cơ quan báo chí đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.
Cơ quan chủ quản cũng nhận thức việc buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các tạp chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã chỉ ra và thực hiện đúng các quy định.
Về việc xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát, đánh giá, lập danh sách 91 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và 57 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” nêu trên đến làm việc; chỉ rõ các biểu hiện, hành vi “báo hóa” của nhóm đối tượng này để yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, cam kết khắc phục và không tái phạm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng, chủ động khắc phục các sai phạm, tuân thủ các quy định pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng để xử lý nghiêm, mang tính cảnh báo, răn đe; các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “báo hóa”.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2022, cơ cấu số lượng cơ quan báo chí được cấp phép gồm 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân); Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện; Cơ quan báo: 127 cơ quan; Cơ quan tạp chí: 670 cơ quan; Cơ quan Đài phát thanh, truyền hình: 72. Tổng số thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến ngày 20/9/2023: 20.388 trường hợp. Về việc thu hồi Thẻ nhà báo, từ năm 2017 đến hết tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thu hồi 32 Thẻ nhà báo do có vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 28 Luật Báo chí 2016. |