Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động; trong đó đề xuất rõ các trường hợp cảnh sát cơ động được kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu.

Theo dự thảo, việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu được tiến hành trong các trường hợp đó là: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy.

Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã; Khi phát hiện người, phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm.

Khi phát hiện các trường hợp trên thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát tiến hành xử lý theo quy định về xử lý vi phạm trong tuần tra, kiểm soát; áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát.

Theo đó, Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát có nhiệm vụ chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm an ninh, trật tự trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CAND đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm khác thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công tuần tra, kiểm soát.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát Cơ động tăng cường tuần tra, kiểm soát vào ban đêm. (Ảnh minh hoạ)

Về quyền hạn, dự thảo quy định Cảnh sát cơ động có quyền kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động.

Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát có quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định, khi phát hiện vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và thông báo hành vi vi phạm cho người vi phạm biết.

Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa hành vi vi phạm và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát, dự thảo Thông tư nêu rõ: Tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh CAND; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trấn áp người có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ. 

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát phải sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND, giấy chứng nhận công tác đặc biệt theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi ra quân thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân, xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác.

P.V