Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHYT, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, người dân sống ở địa bàn khó khăn, đồng bào DTTS, vùng biên giới, hải đảo. Qua đó, vừa góp phần tăng sức hấp dẫn của chính sách, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Điển hình như Quyết định số 4230/2015/QĐ-UBND (ngày 25/12/2015) của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, đã nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 80% kinh phí mua thẻ BHYT cho khoảng 72.000 người thuộc đối tượng trên.

leftcenterrightdel
 Cán bộ BHXH huyện Tiên Yên phát tờ rơi tuyên truyền tới người dân về quyền, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Ảnh: Quốc Huy (BHXH huyện Tiên Yên).

Đặc biệt, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Theo số liệu của BHXH tỉnh, hiện toàn tỉnh có 71.812 người thuộc đối tượng trên được cấp 100% thẻ BHYT. Tiếp đó, ngày 4/11/2022, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV, thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2027. Theo đó, bắt đầu từ 1/1/2023, người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, cận nghèo và 20% đối với các đối tượng khác từ nguồn ngân sách tỉnh. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đối tượng lao động tự do, nông dân, người thu nhập bấp bênh... tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu, cấp thẻ BHYT.

Những chính sách này không chỉ góp phần bao phủ BHYT, mà còn nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, qua đó đã góp phần hướng tới chính sách an sinh xã hội được toàn diện theo nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Bên cạnh đó, chính sách đã tác động tích cực, hiệu quả rõ nét đến việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, góp phần cho tỉnh Quảng Ninh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển BHYT đã đề ra.

Tính đến tháng 7/2023, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.310.883 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là trên 95,25%, riêng số người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (không tính học sinh, sinh viên) là hơn 64.000 người, chiếm khoảng 5% tổng số người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh (4.776 người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ BHYT; 59.420 người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT); 100% học sinh thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình đều được tham gia BHYT (26.726 học sinh) chiếm 9,98% trên tổng số học sinh toàn tỉnh.

Đặc biệt, để triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng là người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình có đăng ký thường trú tại tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025.

Dự kiến theo chính sách đang xây dựng đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo được nâng mức hỗ trợ từ 70% lên 100% mức đóng BHYT; đối tượng là người thuộc hộ có mức sống trung bình được nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 80% mức đóng BHYT.

Theo đánh giá, việc xây dựng và ban hành chính sách sẽ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giảm bớt khó khăn về kinh tế và giảm thiểu nguy cơ tái nghèo cho hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình khi đi khám chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHYT; góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT và hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT đến năm 2025 theo Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh (đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHYT phải đạt trên 95,75%). Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, trong đó có dịch vụ về y tế; đảm bảo mục tiêu “100% người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bảo Hân