Với mục tiêu giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn người lao động, TP.Đà Nẵng đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình "có việc làm" giai đoạn 2016-2020. Hàng năm, các thành phần kinh tế trên địa bàn TP đã giải quyết việc làm cho gần 32.000 lao động. Riêng 8/2018 đã giải quyết 24.450 lao động, đạt 74,77% kế hoạch năm, phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 3,4%.
Trong năm, Thành phố đã tổ chức 32 phiên giao dịch việc làm với 3.360 lượt đơn vị tham gia, giải quyết việc làm cho 7.673 lao động, đưa 194 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt chú trọng công tác quản lý và kiểm tra chuyên đề lao động là người nước ngoài. Hiện nay, TP đã chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho 401 đơn vị với tổng nhu cầu cần tuyển 662 người, đồng thời xác nhận 263 trường hợp không thuộc diện cấp phép, thu hồi cấp giấy phép lao động của 114 trường hợp.
Đà Nẵng cũng đã nỗ lực triển khai đề án giảm nghèo ban hành theo từng giai đoạn và thường chuẩn nghèo của TP luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 20-30%. Đầu năm 2018, TP có 7.114 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỉ lệ 2,8%. Trong 6 tháng đầu năm ước tính có 2.792 hộ thoát nghèo. Dự kiến, cuối năm còn lại 2.319 hộ nghèo. Đến tháng 10-2018 sẽ tham mưu báo cáo UBND TP chuẩn nghèo và một số chính sách giảm nghèo thực hiện giai đoạn 2019-2023.
|
|
Ngày hội việc làm được tổ chức thường xuyên mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. |
Về lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thành phố cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại bạo lực tai nạn thương tích trẻ em... Theo đó, 08 tháng đầu năm 2018 đã hỗ trợ 960 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, kêu gọi vận động Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ dự án “Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 – 2021...
Hiện nay, toàn thành phố có 235.884 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 18,8% dân số, trong đó, 2.805 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em mồ côi không nơi nương tưa, bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, trẻ em vi phạm pháp luật), chiếm tỷ lệ 1,19% dân số trẻ em, hơn 10.300 trẻ em khác có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt... Sở LĐTB,XH Đà Nẵng đã tiến hành rà soát, triển khai quản lý, và cập nhật thông tin trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biêt trên địa bàn.
Ngoài ra, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng được thành phố chú trọng. Tính đến ngày 15/8, có 1.559 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó 453 học viên đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, 318 người tham gia điều trị Methadone, 25 người cai nghiện tại gia đình – cộng đồng và 763 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú. Từ đầu năm đến nay đã cảm hóa giáo dục cho 119 em, xây dựng một số mô hình “Cai nghiện tại gia đình – cộng đồng”, mô hình “ Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV/ADIS bước đầu đạt hiệu quả...
|
|
Mô hình “Cai nghiện tại gia đình – cộng đồng” được triển khai tại Đà Nẵng mang lại hiệu quả trong công tác cai nghiện |
Tuy nhiên, bên cạch các kết quả đạt được, hiện nay do một số quy định pháp luật về phòng chống ma túy còn bất cập nên công tác đấu tranh, phòng chống ma túy còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng trong quá trình cai nghiện chưa có thái độ hợp tác, xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới như ma túy dạng thảo mộc (Cỏ Mỹ), Tem giấy... nhưng pháp luật chưa có quy định xử lý, chưa có dụng cụ để xác định nên không thể áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng. Ngoài ra, công tác quản lý lao động người nước ngoài tại TP.Đà Nẵng đang hết sức phức tạp.
Theo bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng cho biết: “Công tác quản lý lao động người nước ngoài tại TP.Đà Nẵng đang hết sức phức tạp. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Đà Nẵng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó rất nhiều trường hợp nhập cảnh sai với mục đích của thị thực (visa). Mặc dù đã có Quyết định số 8752 (ngày 20/12/2016) về Quy chế phối hợp của UBND TP quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ phối hợp của 14 sở, ngành cũng như UBND các quận, huyện trong công tác quản lý. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ngành vẫn chưa thực sự chặt chẽ, khó phát hiện các sai phạm về mục đích của người nước ngoài khi vào Việt Nam, khi có sự cố xảy ra thì việc xử lý còn gặp khó khăn và lúng túng. Chính vì vậy, điều cần làm là tổ chức sơ kết, đánh giá lại các mặt ưu điểm, khó khăn, tồn tại, vướng mắc để phối hợp giải quyết”.
Lê Tâm