May mắn thoát chết còn đồng nghiệp đã ra đi vĩnh viễn

Đêm ngày 12/10, bầu trời thủy điện Rào Trăng 3 trắng xóa, mưa ào ào trút xuống  như thác đổ cùng với những luồng gió giật mãnh liệt. Để đảm bảo an toàn cho công nhân, cán bộ kỹ thuật tại, mọi công tác thi công tại công trình tại thủy điện phải tạm dừng.

Mọi người chia nhau thành nhiều nhóm trú ẩn trong khu vực nhà điều hành và một số lán trại nơi đồi núi cao ráo.  Anh H.V.T (SN 1993, trú tại huyện Đăk Rông, Quảng Trị) cùng  đồng nghiệp khác ở lán trại ngay cạnh khu kĩ thuật.

 “Rạng sáng ngày 12/10, anh em đang ngủ thì tôi nghe một tiếng nổ vang trời. Vẫn chưa định hình được chuyện gì thì  ngay sau đó, đất đá không biết từ đâu đổ ập xuống, san phẳng lán trại. Vụ việc chỉ xảy ra trong vài giây khiến anh không kịp định thần.

Cảnh tượng tan hoang, đổ nát, xung quanh tôi toàn bùn đất. Đồng nghiệp nằm bên cạnh không thấy đâu luôn.  Mọi thứ giống như trong một thước phim, quá nhanh…”, anh T. kể lại sự việc, khuôn mặt thỉnh thoảng lại nhăn lại vì vết thương trên mặt vẫn còn đau nhức.

Dù toàn thân đau nhức vì bị bùn đất đè lên nhưng anh cố gắng bò dậy, rồi kêu lớn : “Anh em đâu cả rồi.” Trong bóng đêm mù mịt, anh T. cố gắng mò mẫm tìm kiếm những người còn sống sót.

Nhìn xung quanh, nhà điều hành trước đó vài giờ còn  sừng sững nay biến mất như chưa từng tồn tại. Anh T. và mọi người nhanh chóng lên khu vực nhà điều hành để tìm kiếm, ứng cứu đồng nghiệp gặp nạn.

Nhớ lại những gì vừa xảy ra, anh L.T. V. (quê ở tỉnh Quảng Ngãi) cứ ngỡ mình  vừa được trở về từ cõi chết. Khi anh đang ngủ thì nghe tiếng gọi "dậy, dậy mau, chạy, chạy".

Trong tích tắc, V. nghe những tiếng nổ, tiếng đất sạt xuống ầm ầm. 7 người trong lán của V. hoảng loạn, chạy tán loạn trong đêm tối, mưa tầm tã. Đây là tai nạn lớn nhất đời mà anh gặp, may mắn thay anh còn sống nhưng anh vẫn còn nỗi đau buồn vì vụ sạt lở đã lấy đi người bạn, người đồng nghiệp mà anh yêu quý.

leftcenterrightdel
 Thủy điện Rào Trăng 3 hoang tàn đổ nát sau trận sạt lở.

“Những gì vừa trải qua giống như một cơn ác mộng. Vừa chợp mắt một lúc, tỉnh dậy khu lán trại đã tan hoang… Thời điểm đó tại khu nhà điều hành còn khoảng mười mấy người nhưng có một số người thoát nạn, còn 17 người bị vùi lấp. Gọi mãi, đến khản cả giọng mà không thấy tiếng trả lời. Một ký ức khủng khiếp, đau đớn vì bỗng dưng những đồng nghiệp đã vĩnh viễn ra đi…”- Anh V. rưng rưng nước mắt kể lại.

Sau khoảng thời gian dài tìm kiếm trong vô vọng, mọi người ai cũng thấm mệt đành phải dừng cuộc…  Hàng chục công nhân khác và 2 chuyên gia người Ấn Độ đã liều mình đi đường rừng di chuyển đến nơi an toàn. Họ chỉ biết cố sức chạy đến khu vực cao hơn, nhằm hướng thủy điện Rào Trăng 4 mà đi. Tiếng đất đá, cây đổ vẫn ầm ầm đằng sau lưng…

Đồng cam cộng khổ, chạy đua với “tử thần”

Dù vừa sợ, sức lực không còn nhiều nhưng thời điểm xảy ra sạt lở, những người may mắn sống sót vẫn cố gắng giúp đỡ những người còn lại thoát khỏi “cửa tử”.

Bị thương nặng nhất trong nhóm 7 công nhân ở lán trại cùng anh T, ông N.Đ.M  (SN 1957, quê Quảng Trị) chia sẻ: “Nghe tiếng nổ lớn thì trận sạt lở đất liền ập đến, tôi bị đất đá cùng với thân cây đè xuống người. Thời điểm đối mặt với "tử thần", tôi may mắn được mọi người kéo ra khỏi đống bùn đất”.

Còn anh H.V.Tr (SN 1995)  sau trận sạt lở, anh không thể đi lại được vì chân bị bùn đất giữ chặt, không nhấc lên nổi, có dấu hiệu bong gân. Anh chỉ còn biết dùng hai tay anh bò giữa lớp bùn đất nhão, giữ để mình không bị tuột xuống sâu hơn.

“Trời vừa mưa, đất đá vẫn đổ xuống ầm ầm. Tôi cố gắng kêu lớn nhất có thể để tìm kiếm sự giúp đỡ. Giữa bất lực, nhìn thấy ánh đèn từ điện thoại của mọi người niềm vui không thể nào tả xiết được. Tôi được mọi người kéo ra khỏi đống bùn giữ chặt chân mình...”.

leftcenterrightdel
 Đến sáng ngày 13/10, 19 người trong đó có 2 chuyên gia người Ấn Độ và 17 người Việt Nam đã tiếp cận được thuỷ điện Rào Trăng 4 và được đoàn cứu hộ bên ngoài cứu vào sáng 14/10.

Tìm thấy nhau, người bị thương nặng, người bị thương nhẹ, nhưng tất cả cùng quyết tâm, giúp đỡ và cõng nhau băng qua đồi núi để chạy khỏi nơi sạt lở.

Anh T. kể lại: "Khung cảnh lúc đó rất hoang tàn, đất, đá, cây cối nằm ngổn ngang, la liệt khắp nơi. Cố lấy hết bình tĩnh, chúng tôi đã đi bộ hàng chục km đường rừng từ khu vực sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 để đến thủy điện Rào Trăng 4 cầu cứu."...

Anh Tr. còn bị  đất đá đè, hai chân bị thương nặng, mọi người phải thay nhau cõng, chạy khỏi nơi sạt lở.

Trong lúc băng rừng ai cũng ướt sũng, người lạnh toát, vừa đói lại cộng thêm nỗi sợ đất đá có thể lại đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nhờ những gói mỳ tôm nhặt được, họ chia nhau cùng ăn để lót dạ, có sức để đi tiếp. Đi được hơn 10km, qua hàng chục điểm sạt lở đất, cả nhóm gặp một ô tô của thủy điện đang đi vào Rào Trăng 4.

Vì đường sạt lở nên mọi người phải dừng lại, di chuyển bằng ghe. Đến sáng ngày 13/10, 19 người trong đó có 2 chuyên gia người Ấn Độ và 17 người Việt Nam đã tiếp cận được thuỷ điện Rào Trăng 4 và được đoàn cứu hộ bên ngoài cứu vào sáng 14/10.

leftcenterrightdel
 Những công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang điều trị tại bệnh viện. (ảnh: B.T)

Sau khi được được về, các nạn nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền Hiện tại, sức khỏe 5 công nhân đều ổn định, chỉ bị trầy xước bên ngoài. Riêng 2 công nhân còn lại sức khỏe tốt nên được cho về nhà.

Liên quan đến vụ việc, đến tối 15/10, thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại rừng tiểu khu 67 xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được tìm thấy đưa về.

Thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh được đưa về bệnh viện Quân y 268 tại đường Mang Cá, TP Huế.

Hiện vẫn còn 16 công nhân làm việc tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 mất tích. Công tác tìm kiếm cứu nạn những người mất liên lạc đang được lực lượng cứu nạn khẩn trương triển khai.

 

Mộc Lan