Đến năm 2024 này, là năm thứ 3 Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, đã đạt được nhiều kết quả tích cực mà Nghị quyết đã đề ra. Theo đó, đến nay nhân lực, cơ sở vật chất CNTT và viễn thông, cơ sở dữ liệu, phần mềm, nền tảng phục vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã có nhiều tiến triển tích cực.
Đáng chú ý, đến năm 2024 này, việc hoàn thiện chính sách, quy định cho chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, từng bước hoàn thiện môi trường chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính và bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước.
|
|
Thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn người dân các dịch vụ. |
Kết quả đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có Cổng/trang TTĐT, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả, tích hợp Cổng DVC của tỉnh; chuyên mục Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời được đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Hoạt động điều hành, tác nghiệp trực tuyến được duy trì đồng bộ. Các hệ thống thông tin hỗ trợ điều hành tác nghiệp, ý kiến chỉ đạo, gửi nhận văn bản, tác nghiệp nội bộ, chữ ký số được ứng dụng thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Đáng chú ý, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 100% đối với các nội dung: Ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, trong gửi nhận văn bản điện tử của CQNN cấp tỉnh, cấp huyện; văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa CQNN trên địa bàn tỉnh được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử của UBND cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện đạt 100%.
|
|
Sinh viên, học sinh ở Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng chuyển đổi số. |
100% UBND cấp huyện có các hệ thống phần mềm chuyên ngành cho các lĩnh vực (quản lý tài chính, tài sản công; quản lý cán bộ công chức, quản lý tài nguyên, quản lý bản đồ địa chính, quản lý giáo dục, quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý đối tượng, chính sách người có công, …).
Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã vận hành ổn định, bảo đảm liên thông 3 cấp, phục vụ tốt công tác tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính.
Hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh tỉnh Hà Tĩnh (IOC) đã được triển khai, gồm 7 phân hệ cơ sở dữ liệu: Phân hệ quản lý về chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Phân hệ quản lý dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; Phân hệ quản lý văn bản và điều hành trực tuyến; Phân hệ quản lý y tế; Phân hệ quản lý giáo dục và đào tạo; Phân hệ quản lý du lịch thông minh và lưu trú; Phân hệ camera giám sát thông minh; Bổ sung thêm Bản đồ số ngành Công thương. Hệ thống đang vận hành ổn định và phục vụ có hiệu quả công tác giám sát, theo dõi, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh.
Đến nay, 100% sở, ngành ở Hà Tĩnh đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị, góp phần đắc lực vào nâng cao chất lượng công tác, đảm bảo hành chính đơn giản, hiệu quả, tạo điều kiện để góp phần cùng tỉnh nhà phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ sự quyết tâm của chính quyền các cấp, sự đồng lòng, đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP,... có ứng dụng điện thoại thông minh, Internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Thu học phí tại các trường đạt 100% các đơn vị đã triển khai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% đơn vị đã triển khai; cơ sở y tế 19/19 đơn vị đã triển khai thu viện phí.
Đến tháng 6 năm 2024, có 7.112 đơn vị đăng ký sử dụng HĐĐT (trong đó có 6.447 DN, 665 HKD) số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận xử lý ước đạt 37.753.254 hóa đơn, có 1.135 cơ sở kinh doanh đăng ký HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền (trong đó có 631 DN, 504 HKD) số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã xuất là 1.678.586 hóa đơn và 100% của hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định Hệ thống khai báo, thông quan điện tử VNACCS/VCIS và các chương trình vệ tinh, 100% tờ khai đối với hàng hóa XNK được khai báo trên hệ thống thông quan tự động (từ đầu năm đến nay đơn vị đã làm thủ tục cho hơn 8121 tờ khai xuất nhập khẩu của 368 doanh nghiệp, kim ngạch đạt hơn 2,7 tỉ USD), duy trì hiệu quả đề án thu thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7; đẩy mạnh thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử, không dùng tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí hải quan.
|
|
Công an hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng để phát triển kinh tế số. |
Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tùy đặc thù chuyên môn của ngành, cũng đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình, nhằm hướng tới mục tiêu pháp luật được thực thi hiệu quả, đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Trong đó, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh tại 10 cơ quan, đơn vị, địa phương; Cập nhật, duy trì thường xuyên chuyên mục An toàn thông tin trên Trang TTĐT của Trung tâm CNTTT. Tham mưu phương án triển khai Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh (SOC) theo các nội dung đã được phê duyệt chủ trương triển khai.
Đã triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản trị tập trung tại Trung tâm và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hiện nay hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh; Cơ bản hoàn thành công tác xây dựng và phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Hiện đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các phương án bảo vệ an toàn thông tin theo hồ sơ đã được phê duyệt; Thường xuyên thực hiện rà soát, cảnh báo, hướng dẫn xử lý, khắc phục các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các cơ quan tiến hành tố tụng như Viện kiểm sát, Tòa án cũng đã ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ như: Tuyên truyền phổ biến giáo dục, xét xử trực tuyến; ứng dụng số hóa hồ sơ vụ án… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng thực thi pháp luật trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
Nhìn chung, thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng các cơ quan, ban ngành đã và đang nỗ lực đưa các hoạt động lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, từ đó tạo hiệu ứng tích cực đến mọi mặt của hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.