Bổ sung một số chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. 

Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai việc xác nhận người có công và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Pháp lệnh lần này có nhiều nội dung mới về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công và quy định bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công.

Cụ thể, Pháp lệnh đã quy định chặt chẽ hơn điều kiện, tiêu chuẩn người có công khi xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; bổ sung quy định về việc xem xét xác nhận người có công đối với những trường hợp còn tồn đọng; quy định mở rộng về thời gian xem xét xác nhận đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Pháp lệnh bổ sung một số chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, cụ thể là: Bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng về miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở; chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất, ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng; chế độ vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế; chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác; quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân của một số diện đối tượng người có công đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi…

Do đó, để các nội dung của Pháp lệnh đi vào cuộc sống và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công đúng thời hạn có hiệu lực của Pháp lệnh, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh là cần thiết và đảm bảo về thời gian có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Quy định chi tiết và hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời việc xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và những người có liên quan.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh phối hợp với một số phòng, ban thăm, chúc Tết mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh minh hoạ - VKS Trà Vinh)

Đồng thời, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa cùng với nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Bảo đảm khả thi và công khai, minh bạch

Về quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định phải bảo đảm khả thi và công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, đặc điểm lịch sử địa lý của từng vùng miền trong kháng chiến.

Quy định đầy đủ, chi tiết nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong trong các xác nhận, thực hiện chế độ ưu đãi người có công.

Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công. Tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm lo người có công với cách mạng.

Về nội dung, dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 204 điều, quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng hoặc người có liên quan quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong giám định y khoa để xem xét công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của người có công, đó là: Từ chối đưa ra kết luận giám định mà không có lý do chính đáng; cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật.

Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định; lợi dụng việc thực hiện giám định để trục lợi; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi giám định khi chưa được sự đồng ý của đối tượng và cơ quan quản lý đối tượng giám định

Xúi giục, ép buộc người giám định, tổ chức giám định đưa ra kết luận giám định sai sự thật.

Can thiệp, xúc phạm, cản trở, có hành vi đe dọa việc thực hiện giám định của người giám định và cơ quan, tổ chức giám định.

Ngoài ra, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của hầu hết các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Tuy nhiên, có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, đó là việc quy định việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ xem xét xác nhận đối với đối tượng này rất phức tạp, bên cạnh đó số lượng đối tượng không nhiều, thực tế có những trường hợp cá biệt đã được xem xét xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi theo quy định (Khoảng 2, 3 trường hợp).

Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất không quy định chế định riêng về nội dung này mà quy định một khoản vào điều khoản thi hành. Cụ thể như sau: “Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính xem xét xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng”.

P.V