Đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục triển khai lồng ghép nhiều giải pháp kéo giảm tỷ lệ TH-HNCHT ở mức thấp nhất.

Huyện Bảo Lâm có 12 xã, 1 thị trấn với 9 dân tộc cùng sinh sống, dân số hơn 66.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, người dân đa phần sinh sống bằng nghề phát nương làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có 29 cặp tảo hôn và 2 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung tại các xóm, xã có người Mông, Dao sinh sống. Ông Hoàng Văn Thọ, Phó Trưởng Phòng dân tộc huyện cho biết: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Trong năm đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các xóm trên địa bàn 7 xã với tổng số gần 1.000 đại biểu tham dự. Tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các xã và nhiều trường học trên địa bàn. Xây dựng nhiều băng rôn, khẩu hiệu, tranh áp phích tuyên truyền với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm treo tại các xã nơi tập trung đông dân cư sinh sống.

Đặc biệt, tập trung xây dựng mô hình câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, từ đó hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện chỉ ghi nhận 3 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

leftcenterrightdel
 Hội thi Rung chuông vàng tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Về công tác giáo dục, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên, đến nay, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thành công 10 Hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở tại huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc; tổ chức nhiều buổi ngoại khoá, hoạt động giáo dục truyền thông, tư vấn cho gần hàng nghìn học sinh tại 32 trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; tổ chức 30 buổi cho 10.250 học sinh về giáo dục truyền thống, tư vấn, nói chuyện chuyên đề sức khỏe sinh sản, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh tại các trường Trung học cơ sở tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng .

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã xây dựng 01 bộ tài liệu tập huấn gồm 4 chuyên đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Duy trì mô hình nói không về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Lắp đặt pano và tổ chức in, cấp hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên, tuyên truyền viên tại 15 xã trên địa bàn huyện Hòa An, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình; Tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp xóm, ngày hội đại đoàn kết dân tộc... đưa nội dung thực hiện đề án vào hương ước, quy ước tại địa phương, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình khác.

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền phòng chống TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những tín hiệu từ việc thực hiện các nội dung, hoạt động thông của Dự án 8; Tiểu dự án 2, Dự án 9 và Nội dung số 2, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719 thời gian qua, sẽ góp phần từng bước đẩy lùi  tình trạng TH-HNCHT.

Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và hiểu biết của người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số với các hình thức đa dạng, linh hoạt, nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức, tư duy cũ về việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết; phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra.

Tiếp tục duy trì Mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại địa phương. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Triệu Quý