leftcenterrightdel
 Anh C.H.T trình báo tại Cơ quan điều tra.

Khoảng đầu năm 2024, anh T nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0918.805.506, giới thiệu tên là Phương Linh làm tại sàn đầu tư quốc tế có tên KAMA CAPITAL và kêu gọi anh T đầu tư, hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn, sau đó, gửi cho anh T nhiều tài liệu tham khảo, hướng dẫn đầu tư chứng khoán phái sinh.

Để lấy lòng tin của anh T, Phương Linh hẹn anh T đến 1 văn phòng tại ngõ 19, Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, giới thiệu là văn phòng của công ty. Tại đây, Linh dùng số điện thoại và email cá nhân của anh T để mở tài khoản trên trang web. Sau đó, Phương Linh cùng một đối tượng khác đã dùng nhiều thủ đoạn mời gọi, dụ dỗ, hướng dẫn anh T nhiều lần chuyển tiền để đầu tư với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. Đến khi anh T không còn khả năng thu xếp tiền để tiếp tục chuyển theo yêu cầu thì các đối tượng cắt liên lạc, xóa tài khoản của anh T trên trang web và chiếm đoạt toàn bộ số tiền anh T đã chuyển để đầu tư.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh, “Chứng khoán phái sinh” bản chất là một hợp đồng tài chính, được hình thành trên một tài sản cơ sở nào đó, phổ biến như: trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ, chỉ số thị trường và lãi suất. Tuy nhiên, việc lợi dụng hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế (sàn đầu tư không có trụ sở tại Việt Nam) để chiếm đoạt tài sản là hình thức lừa đảo phổ biến, đã nhiều lần được các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo. Thế nhưng, người dân vẫn thiếu cảnh giác, bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, pháp luật ngoại hối Việt Nam hiện nay chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính nên khi có tranh chấp hoặc rủi ro xảy ra, người đầu tư sẽ gần như không được pháp luật bảo vệ.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo phương thức, thủ đoạn của đối tượng để quần chúng nhân dân biết, nâng cao cảnh giác. 

Hào Kiệt