Những hình thức lừa đảo như: Mời đầu tư chứng khoán, làm nhiệm vụ online, giả danh công an, mời vay tiền trực tuyến… thì trong thời gian gần đây, các đối tượng tăng cường hoạt động với thủ đoạn giả danh lực lượng chức năng, luật sư làm dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng để tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ, cả tin từng là nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thủ đoạn của các đối tượng là lập ra các website, fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội với tên có dạng: “Cổng Tiếp Nhận Thông Tin Trình Báo Lừa Đảo Trên Không Gian Mạng”; “Lấy lại tiền bị lừa đảo”; “Cục An ninh mạng và phong chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”; “Văn phòng luật sư…” để giả danh lực lượng Công an, luật sư… đồng thời, đăng tải các nội dung quảng cáo có thể lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo qua mạng.
Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng còn xây dựng các đoạn phóng sự giả gắn logo của các đài truyền hình uy tín với nội dung về công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kèm theo các nội dung giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa đảo, nếu liên hệ và làm theo hướng dẫn. Dưới các bài viết, phóng sự này các đối tượng sử dụng hàng loạt các tài khoản “ảo” để bình luận cảm ơn với nội dung đã lấy lại được tiền thông qua các website, fanpage.
Khi người dân liên hệ để lấy lại tiền, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hình thức bị lừa đảo, số tiền bị lừa, thông tin tài khoản ngân hàng… Sau khi người dân cung cấp thông tin các đối tượng sẽ gửi cho người dân đường dẫn đến website giả mạo có giao diện giống với các website, trang thông tin điện tử của lực lượng Công an, trên đó sẽ hiển thị các thông tin cá nhân của người dân và số tiền đã bị chiếm đoạt.
Sau đó, các đối tượng sẽ hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan Công an để khai báo, từ đó, chiếm quyền điều khiển điện thoại di động để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu người dân đóng phí, chuyển cọc với giá trị khoảng từ 10% đến 20% số tiền bị treo, lừa đảo, sau khi người dân chuyển tiền theo yêu cầu sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền này. Ngoài ra, khi cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng, người dân còn có thể bị các đối tượng sử dụng các thông tin này để chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng thông tin cá nhân vào các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Cơ quan Công an khuyến cáo:
Tất cả các thông tin đăng tải, chạy quảng cáo trên mạng có thể giúp lấy lại tiền cho các nạn nhân bị lừa đảo trên mạng xã hội đều là giả mạo. Cơ quan nhà nước, lực lượng Công an không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội, nếu cần sẽ mời đến trụ sở làm việc. Không cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hay chuyển tiền cho bất kỳ ai qua điện thoại, internet mà chưa biết rõ về họ. Người dân khi đã bị lừa đảo, mất tiền phải lưu lại bằng chứng và trình báo Cơ quan Công an nơi gần nhất không nên tìm cách giải quyết thông qua mạng internet.