|
|
Cà phê nấm linh chi Laura Coffee. |
Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Bên cạnh việc lan truyền những câu chuyện tốt đẹp thì không ít người lại biến mạng xã hội trở thành công cụ để “đấu tố” nhau, với mục đích câu view, câu like, bội nhọ người khác để phục vụ mục đích cá nhân... mà theo ngôn ngữ của cộng đồng mạng gọi hành động này là “bóc phốt”.
Đặc điểm của các bài “bóc phốt” này là thu hút rất đông lượt xem, chia sẻ, người bình luận do đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Đáng nói, thời gian gần đây, hành vi “bóc phốt” còn có sự tham gia của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến công chúng trên mạng xã hội (KOL). Không ít người tự cho mình quyền phán xét, kết án, công khai các thông tin, hình ảnh xấu về người khác khi chưa được kiểm chứng.
Việc này dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù sau đó khi người bị hại lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, người đưa thông tin sai sự thật bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng danh dự, uy tín cũng khó “cứu vớt” do quá nhiều tài khoản tham gia trào lưu này, các cơ quan chức năng không thể chặn, gỡ hết được thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Như mới đây vào ngày 19/10/2024, một tài khoản Tiktok có tên “CEO Vương Long” (ID: ceovuonglong) với hơn 108 nghìn lượt theo dõi và 2,2 triệu lượt thích đã đăng tải một video công kích một sản phẩm cà phê khiến thương hiệu này “điêu đứng”.
|
|
Sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê đông trùng hạ thảo. |
Theo nội dung video được đăng tải, người này đã quy chụp một sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo không tốt cho người tiêu dùng và khuyên “những ai đang up clip về sản phẩm này nên gỡ bài liền”. Người này còn đưa hình ảnh của sản phẩm dù đã được làm mờ một phần nhỏ nhưng cũng đủ để người xem nhận ra đó là sản phẩm gì, của ai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo trong video nhắc đến là sản phẩm của thương hiệu Laura Coffee do ca sĩ Nhật Kim Anh sáng lập.
Cũng trong video, tài khoản “CEO Vương Long” cho biết sản phẩm này không tốt là do trong sản phẩm có chất tạo ngọt 951 – Aspartame và chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh cáo có nguy cơ gây ung thư.
Người này bình luận: “Sở dĩ gói cà phê này phổ biến trên thị trường là do bên này book rất nhiều Tiktoker quảng bá cho nó. Thật ra các bạn Tiktoker cũng không đủ kiến thức để tìm hiểu được cái chất gây hại của sản phẩm này”.
Từ đó, “CEO Vương Long” khuyên các Tiktoker gỡ các video quảng bá sản phẩm để “bảo vệ sức khỏe cho khách hàng của mình”.
Chỉ sau 4 ngày đăng tải, video này đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem với hàng trăm nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ. Đa số các bình luận đều mang tính công kích, kêu gọi “tẩy chay” sản phẩm này.
Điều đáng nói là, chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra thông báo hay cảnh báo đây là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng.
Liên đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Danh mục phụ gia được phép sử dụng tại quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX, vẫn đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị.
Theo đó, những phụ gia thực phẩm được quy định trong tiêu chuẩn này đã được Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO)/Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu, đánh giá và đưa ra bằng chứng khoa học là không gây ra các rủi ro về sức khỏe cho con người khi sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng không vượt quá mức sử dụng tối đa đề xuất tại Tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, đại diện diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, phụ gia thực phẩm này được quy định sử dụng trong một số nhóm thực phẩm và mức sử dụng tối đa cụ thể, không phải sản phẩm thực phẩm nào cũng được dùng.
Có thể thấy, việc sử dụng phụ gia thực phẩm Aspartame (INS 951) để làm chất tạo ngọt không hề bị nghiêm cấm. Thế nhưng việc đưa thông tin kiểu nhập nhằng nửa vời, thiếu sự thật của tài khoản “CEO Vương Long” có thể khiến người xem hiểu lầm về sản phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.
Được biết về phía thương hiệu bị “bóc phốt” nói trên đang làm việc với các chuyên gia pháp lý để bảo vệ thương hiệu. Thế nhưng với hàng triệu lượt xem, chia sẻ thì thương hiệu này cũng đã bị thiệt hại rất lớn về uy tín sản phẩm.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu “bốc phốt” sai sự thật
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng việc lợi dụng mạng xã hội để bóc phốt, lăng mạ, xúc phạm các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không đưa ra bất cứ bằng chứng hay kết luận nào của cơ quan chức năng không chỉ gây bức xúc dư luận xã hội; xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn có thể hủy hoại môi trường mạng, là nguồn cơn cho những tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Luật sư Diệp Năng Bình dẫn chứng một số trường hợp nạn nhân là cá nhân vì không chịu nổi đả kích nên đã bị tổn thương nặng nề về tâm lý, trầm cảm, không làm chủ được bản thân thậm chí là tự sát. Còn với nạn nhân là cơ quan, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì có thể bị giảm uy tín, hiệu quả kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường. Một số doanh nghiệp đã phải chuyển địa điểm kinh doanh thậm chí là giải thế, phá sản.
Chính vì vậy, Luật sư Bình cho rằng cơ quan chức năng cần chủ động kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có để đảm bảo môi trường không gian mạng được trong sạch, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về góc độ pháp lý, theo Luật sư Diệp Năng Bình: “Giả sử việc sử dụng mạng xã hội để bóc phốt cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà không có đủ bằng chứng chứng minh hoặc kết luận của cơ quan chức năng thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu tránh nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có)”.
|