Từ năm 2019, UBND quận Tân Bình (TP HCM) có quy hoạch dự án xây dựng 3 trường học từ Mầm non đến THCS và công viên, khu đất vườn rau tại phường 6 được thu hồi của các hộ dân để đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho công trình công cộng này.
Được biết, khu đất có tổng diện tích 48.000m2 tọa lạc trên địa bàn phường 6 (còn gọi là khu vườn rau Lộc Hưng), trước đây do Chính quyền thuộc chế độ cũ quản lý. Sau năm 1975, toàn bộ khu đất này được Nhà nước bàn giao cho ngành Bưu điện TP HCM quản lý, sử dụng làm bãi ăngten. Từ năm 2008, đơn vị này không có nhu cầu nữa nên đã để hoang hóa trong suốt một thời gian dài.
|
|
Hàng rào bao quanh khu vực đang thực hiện công trình. Ảnh: Ngoc Tuấn. |
Thấy toàn bộ khu đất bị bỏ hoang, nhiều người dân sinh sống tại quận Tân Bình đã sử dụng để trồng rau, làm vườn, nhiều người dân còn bỏ tiền ra xây dựng thành những ngôi nhà để ở và cho thuê, cải thiện đời sống.
Chị Nguyễn Thị Thái, ở khu phố Lộc Vinh, phường 6 cho biết: “Nhà tôi có diện tích đất sử dụng hơn 887m2, từ năm 2008 đã vào khu vực vườn rau sinh sống. Sau đó, cha mẹ tôi xây dựng thành kiốt cho người dân thuê để kinh doanh, cải thiện đời sống. Bây giờ Nhà nước thu hồi để xây dựng trường học, âu cũng là chủ chương đúng đắn nhưng cái chính là Nhà nước cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, đúng quy định pháp luật để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Đủ, Chánh Văn phòng UBND quận Tân Bình cho biết: “Đến năm 2019, quận Tân Bình có quy hoạch xây dựng 3 trường học từ cấp Mầm non đến THCS tại khu vực phường 6, lúc này UBND quận đã tiến hành giải tỏa khu đất vườn rau Lộc Hưng. Cũng theo ông Đủ, trên địa bàn hiện đang có 24 trường Mầm non có 9 trường đạt chuẩn cấp Quốc gia, 26 trường Tiểu học và 13 trường Trung học cơ sở. Tuy nhiên, so với quy định thì chưa đáp ứng tiêu chí 300 phòng học /10.000 dân trong độ tuổi đi học trong giai đoạn 2017 – 2025”.
Hiện nay, sĩ số học sinh trên một lớp học cao hơn so với quy định và chưa đảm bảo cho học sinh học hai buổi một ngày theo quy định. Do đó, việc đầu tư xây dựng thêm các trường học theo quy hoạch đã được UBND TP HCM phê duyệt trên địa bàn quận Tân Bình là cần thiết và cấp bách. Ngoài ra, dự án này kết hợp chỉnh trang đô thị mở rộng 2 tuyến đường giáp ranh dự án, đường Hưng Hóa 16m (hiện trạng 4,89m÷7,69m) và đường Chấn Hưng 12m (hiện trạng 5,30m÷8,11m) tính từ mép nhà dân mở rộng về phía khu đất công trình công cộng.
|
|
Khu đất thuộc vườn rau Lộc Hưng đang được thi công trường học nhưng chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ. Ảnh: Ngọc Tuấn. |
Khi triển khai xây dựng các công trình trường học tại khu đất vườn rau Lộc Hưng, UBND quận Tân Bình đã đưa ra phương án hỗ trợ cho những người dân bị giải tỏa nhưng chưa thấu tình đạt lý nên không nhận được sự đồng thuận người dân. Cụ thể, trên cơ sở đề xuất của UBND quận và ý kiến của Sở, ngành, tháng 1 năm 2019, UBND TP HCM đồng ý phương án hỗ trợ 7.055.000 đồng/m², 45/124 trường hợp đồng thuận chủ trương thực hiện dự án và nhận tạm ứng hỗ trợ với số tiền là 63,690 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp chưa đồng thuận chủ trương và có ý kiến đề xuất, kiến nghị, từ tháng 1/2019, UBND quận Tân Bình, Hội đồng hỗ trợ của dự án đã tổ chức cho người dân có quyền lợi liên quan đến khu đất kê khai quá trình canh tác trước đây để làm cơ sở nhận tiền hỗ trợ. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, UBND quận Tân Bình đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố tổ chức tiếp công dân và đã ban hành thông báo kết luận của người chủ trì buổi tiếp công dân theo đúng quy định.
Sau buổi tiếp công dân, UBND quận Tân Bình đã tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân để báo cáo. Trên cơ sở đề xuất của UBND quận và ý kiến của các Sở, ngành, UBND TP HCM đã chấp thuận điều chỉnh tăng phương án hỗ trợ lên 11.250.000 đồng/m2. Nhưng đến nay, trong tổng số hơn 100 hộ dân nằm trong diện giải tỏa đền bù vẫn còn khoảng vài chục hộ dân vẫn mong muốn cơ quan chức năng xem xét áp dụng đúng quy định hỗ trợ thu hồi đất, nâng hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.
Ông Lâm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND phường 6 cho biết: Sau nhiều buổi tiếp công dân, UBND phường 6, quận Tân Bình đã tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân để báo cáo cấp trên. Trên cơ sở đề xuất, tháng 12 năm 2022, UBND TP HCM chấp thuận điều chỉnh tăng phương án hỗ trợ lên 11.250.000 đồng/m2. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền còn hỗ trợ người trong diện giải tỏa được học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn ưu đãi để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Trả lời phóng viên Báo BVPL, Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Qua đơn đề nghị hỗ trợ pháp lý của người dân, cũng như nghiên cứu hồ sơ tài liệu liên quan, nhận thấy có nhiều nội dung kiến nghị của người dân là có cơ sở pháp lý. Như việc đề nghị nâng hỗ trợ áp dụng giá từng thời điểm, từng vị trí, thời gian sống, cần được cấp UBND thành phố HCM xem xét giải quyết thấu tình đạt lý". |