Như Báo BVPL đã đưa tin, VKSND TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối tượng Phương Quỳnh Anh (SN 1986, trú tại xã Vũ Phúc, TP Thái Bình), là cô giáo đưa đón học sinh từ nhà đến trường khiến 1 trẻ mầm non tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón.

leftcenterrightdel
 Chiếc xe bị phá tung cửa để đưa cháu bé ra ngoài. 

Trước sự việc đau lòng này, TS Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục cho biết, năm 2019 khi xảy ra vụ việc trường Getway, TP Hà Nội thì có thể coi là tình huống đầu tiên cảnh báo về an toàn của các em học sinh khi di chuyển bằng xe đưa đón do nhà trường tổ chức. Nhưng từ đó đến nay là 5 năm, câu chuyện này không phải đầu tiên nữa, mà là vấn đề không chỉ ngành giáo dục mà cần toàn xã hội cần tìm ra phương pháp giải quyết triệt để.

“Dường như chúng ta không quan tâm đến điều này, nên hậu quả vẫn diễn ra. Câu hỏi chúng ta đặt ra là ngành giáo dục đang quản lý việc này như thế nào. Thực sự quá đau lòng, con em chúng ta phải biết kỹ năng sống, phải được chăm sóc, bảo vệ hàng ngày, từng giờ từng phút một, thì lý do tại sao họ lại để tình trạng đó xảy ra”. Bà Hương bày tỏ quan điểm.

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng tăng cao, đặc biệt tại các khu đô thị lớn. Tuy nhiên, theo Luật sư Trịnh Trang Thanh (Giám đốc Công ty Luật Hợp danh H3T - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định loại hình kinh doanh này đang có nhu cầu cao là vậy nhưng thực tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn an toàn cụ thể và chi tiết cho dịch vụ xe đưa đón học sinh. Các quy định về số lượng học sinh trên một xe, điều kiện xe đưa đón, và trách nhiệm của tài xế và người giám sát vẫn còn rất mơ hồ. Nhiều tài xế và nhân viên giám sát chưa được đào tạo đầy đủ về quy trình an toàn và xử lý tình huống khẩn cấp. Điều này, dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm và sự lơ là trong việc kiểm tra và đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhiều trường học và đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh chưa thực hiện việc quản lý và giám sát chặt chẽ. Việc kiểm tra số lượng học sinh trên xe khi đến và rời trường cũng không được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.

“Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ hiện hành vẫn chưa có những quy định cụ thể và rõ ràng, cũng như chưa định nghĩa thế nào là xe đưa đón học sinh. Hậu quả của những thiếu sót trên chính là các vụ việc bỏ quên học sinh trên xe dẫn đến những cái chết thương tâm và mất mát không thể bù đắp được.

Chính vì vậy, cần ban hành các quy định pháp luật cụ thể, tăng cường đào tạo và giám sát cũng như nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan là những giải pháp cần thiết và cấp bách để ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai. Sự an toàn của học sinh cần phải được đặt lên hàng đầu và đảm bảo bằng mọi biện pháp có thể”. Luật sư Thanh cho biết.

Dưới góc nhìn về giáo dục, TS Vũ Thu Hương đề xuất Bộ GD&ĐT cần phải sớm đưa ra quy trình, tiêu chuẩn của các trường được phép sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh. Đồng thời, quy trách nhiệm cho người đứng đầu mà ở đây là hiệu trưởng nếu xảy ra vụ việc.

“Quy định về việc học sinh trên xe di chuyển tới trường ở trên thế giới là rất nhiều, hầu hết nước nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có, mạnh trường nào làm trường đó, đủ các loại xe khác nhau, đủ các kích cỡ, chủng loại, rất nguy hiểm tới các bạn nhỏ”. Bà Hương nói thêm.

Duy Minh – Phan Hải